Đầu năm tôi tham gia đủ cuộc họp phụ huynh của các con. Điểm chung của các cuộc họp này đó là trình tự thực hiện. Sau khi giáo viên chủ nhiệm thông báo kế hoạch giáo dục, các quy định liên quan của trường lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh là người trình bày cuối cùng và cũng chỉ có đúng một nội dung: các khoản thu dự kiến cần sự thống nhất của phụ huynh.
Họp ban đại diện cha mẹ học sinh, đề nghị minh bạch bị coi nhỏ nhen
“Quá mệt mỏi. Mỗi năm họp một lần với hiệu trưởng và cũng chỉ bàn về việc các khoản thu” – anh bạn tôi, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại một trường mầm non ở TP.HCM, bức xúc nói. Theo anh này, đầu năm học hiệu trưởng họp trưởng ban đại diện các lớp. Trường đưa ra danh sách các khoản thu trong năm và lấy ý kiến các trưởng đại diện.
Ngoài các khoản thu của trường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường cũng trao đổi về việc thu quỹ của ban đại diện để thực hiện các hoạt động trong một năm học. Trưởng đại diện chỉ đề nghị mức đóng góp cho các lớp.
“Tôi đề nghị cung cấp dự kiến các khoản chi trong năm, nếu hợp lý mới vận động phụ huynh trong lớp được, không hợp lý sẽ không vận động vì phụ huynh không đồng ý. Sự minh bạch là chung để đảm bảo không có lời ra tiếng vào, có sự đồng thuận từ phụ huynh.
Thế nhưng một số trưởng đại diện nói rằng tôi nhỏ nhen. Thậm chí có trưởng đại diện lớp còn nói không huy động được phụ huynh thì trưởng đại diện tự bỏ tiền túi đóng quỹ cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường! Tôi có cảm giác ban đại diện cha mẹ học sinh trường không đại diện cho phụ huynh lớp mình, mà là đại diện cho trường” – anh này nói.
Cũng theo anh này, tại cuộc họp đó, ngoài một số ý kiến của các trưởng đại diện hỏi các nội dung liên quan đến hoạt động của các con ở trường như việc vì sao lớp có gắn camera nhưng không cho phụ huynh xem, vì sao năm trước không có phí khảo sát tiếng Anh năm nay lại có, trẻ con mầm non, kể cả lớp mầm mới làm quen với tiếng Anh, thì khảo sát để làm gì, có phân loại học sinh và dạy theo trình độ không, còn lại không ai ý kiến gì tức là hoàn toàn đồng ý với các khoản thu của trường cũng như các hoạt động khác hiện có của trường…
Có lẽ họ ngại đụng chạm với các cô ở trường vì lo lắng ảnh hưởng đến con của mình, cũng có thể họ không thấy được những điểm cần phải minh bạch, cần phải sòng phẳng với phụ huynh lớp mình. Thế nhưng khi có ý kiến phản biện họ lại nói rằng đó là nhỏ nhen.
Muốn coi bữa ăn của con khó như lên trời
Ngoài vấn đề tiền nong, nhiều việc khác diễn ra trong trường học cần sự lên tiếng của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp với giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc ban giám hiệu. Thế nhưng dường như những việc liên quan đến hiệu trưởng hay ban giám hiệu, thường ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có xu hướng “né”.
Chị bạn tôi có con mới vào lớp 6 một trường THCS tại TP.HCM cho biết vì con vào môi trường mới nên phụ huynh cũng muốn biết các con ăn uống thế nào. Chị nói trước đây từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, bớt xén khẩu phần ăn của học sinh nên dù biết trường trước giờ làm tốt và chưa có tai tiếng gì liên quan đến bữa ăn của học sinh nhưng nhiều phụ huynh mong muốn ban đại diện cha mẹ học sinh lớp bất ngờ vào trường xem bữa ăn của các con thế nào.
Trong nhóm phụ huynh có nhiều ý kiến muốn biết bữa ăn của các con ra sao để yên tâm. Thế nhưng những trao đổi của phụ huynh trong nhóm không nhận được phản hồi của trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Vài ngày sau phụ huynh tiếp tục ý kiến về vấn đề này. Lần này phụ huynh cho biết con về nhà than đồ ăn không ngon. Số khác nói món canh rất ít rau.
Thức ăn ngon hay dở có thể tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi học sinh nhưng canh ít rau, con không ăn hết cơm khiến phụ huynh băn khoăn về bữa ăn thực tế ở trường.
Phụ huynh tiếp tục đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh lớp liên hệ vào trường xem bữa ăn của các con thế nào. Trưởng đại diện vẫn không phản hồi về những ý kiến và đề xuất của phụ huynh.
Chỉ khi có phụ huynh hỏi trực tiếp trưởng đại diện trong nhóm thì người này mới lên tiếng cho biết sẽ trao đổi với ban đại diện trường để trao đổi với ban giám hiệu và trả lời sau. Tuy nhiên đến nay đã vài tuần trôi qua vẫn chưa có phản hồi. Trong khi đó, các hoạt động khác của lớp, bao gồm cả việc đóng quỹ lại được triển khai rất nhanh.
Ngại đụng chạm
Theo một chị phụ huynh, các con mới học được hơn một tháng, hoạt động chưa nhiều. Phải thừa nhận rằng hội phụ huynh rất nhiệt tình với các hoạt động của lớp, trao đổi nhanh chóng. Tuy nhiên những vấn đề liên quan đến trường dường như ban đại diện e ngại đụng chạm, ý kiến. Điều này dẫn đến việc những ý kiến và tâm tư của phụ huynh không được hoặc được truyền tải không đầy đủ đến ban giám hiệu để có điều chỉnh nếu bất hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập của các con.
Chồng chéo giữa lớp và trường
Trường khẳng định ngoài các khoản đã được phụ huynh thống nhất trong cuộc họp nhưng trong năm sẽ phát sinh nhiều khoản thu khác. Một năm học ngoài các hoạt động của trường còn có các hoạt động của lớp. Mặc dù học sinh đã đóng tiền mua học cụ, học liệu nhưng sẽ có những hoạt động cần phải mua thêm nguyên vật liệu với các sự kiện phát sinh như làm lồng đèn, làm thiệp tặng mẹ, cắm hoa mừng sinh nhật Bác, chưng mâm quả…
Vì đây là các hoạt động phục vụ các con tại lớp nên phụ huynh rất sẵn sàng chia sẻ, không để các cô phải thiệt thòi. Tuy nhiên, có sự chồng chéo giữa hoạt động tại lớp và trường. Một số hoạt động của trường sẽ do ban đại diện cha mẹ học sinh trường chi, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chỉ chi cho các hoạt động tại lớp. Nếu không minh bạch và rạch ròi, phụ huynh sẽ không sẵn lòng đóng góp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-dai-dien-cho-ai-20241006222229737.htm