Chị là tác giả các tác phẩm: Tập thơ: “Con đường học trò”, “Nụ hôn mùa xuân”; “Đi qua mùa hạ” Tập truyện ngắn “Mơ” (cùng với Bảo Bình); “Có một miền Tây trong mắt trong”… Theo nhà thơ Sao Mai: “Bản chất của từ thiện đã cho ta thấy đây là việc xuất phát từ tâm, là việc thiện lương của con người, là tình thương trao đi, là sự sẻ chia.”…
PV: Thưa chị, khi đang có cuộc phỏng vấn, trao đổi, chia sẻ này, cũng là lúc các trường học, các cơ quan đoàn thể, tổ chức, nhiều người dân tại TP HCM đang tổ chức quyên góp tới đồng bào bị lũ lụt, nhìn những đoàn xe tình nghĩa cũng như số tiền quyên góp cứu trợ từ miền Nam gửi ra Bắc, chị có những cảm nghĩ gì?
Nhà thơ SAO MAI: Bản thân tôi rất xúc động và hơn bao giờ hết, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta được thấy rõ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Ai trong chúng ta không khỏi xúc động trước những hình ảnh thân thương ấy. Đó là hình ảnh bác xích lô, anh bán vé số… quyên góp vài trăm ngàn mình kiếm được trong ngày, là các thầy cô giáo đã rút khoản tiền tiết kiệm nhỏ nhoi mà mình tích cóp được, là các em thiếu nhi mang con heo đất mà em đã chắt chiu nuôi cả năm đến đập ra lấy tiền quyên góp mà không cảm thấy tiếc, là anh bán bánh mì không đồng, cơm không đồng… đã lấy sự cho đi làm niềm vui – đúng là “thương người như thể thương thân”!
Do đặc thù công việc hẳn là đã nhiều lần chị chứng kiến nhiều hoạt động từ thiện, tình nghĩa của bà con khi đất nước trải qua thiên tai, dịch bệnh?
– Năm 2020 – 2021, trong đại dịch Covid-19, thời điểm đó tôi sinh sống, làm việc tại TP HCM, tôi đã chứng kiến những hy sinh, mất mát của đồng bào ta trong đại dịch. Tôi cũng cảm nhận, chứng kiến được công sức đóng góp, những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, Đảng viên nói chung và cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng. Các cấp, các ngành, tất cả mọi người, mọi nhà đã cùng vào cuộc chiến đấu với đại dịch. Giữa tâm đại dịch lúc đó, tôi cũng từng thức trắng nhiều đêm… và tôi đã viết bài thơ “Thành phố những đêm không ngủ”:
“…Kể thật nhiều về những sẻ chia
Quả bí nhỏ đỏ lòng miền Bắc
Trái bí xanh nơi khúc ruột miền Trung
Chót mũi Cà Mau, rừng đước điệp trùng
Mớ tôm, rổ cá cùng nhau về thành phố…”
Năm 2022, hạn mặn xảy ra ở Kiên Giang, Bến Tre… và một số tỉnh phía Nam, nhiều tổ chức, cá nhân, các tổ chức tôn giáo đã đến Ban Công tác phía Nam MTTQ Việt Nam để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Với tinh thần “người có nhiều góp nhiều, người có ít, góp ít”, tôi đã thấy rõ được lòng trắc ẩn, cảm nhận được tình yêu nước, nghĩa đồng bào… một cách sâu sắc nhất!
Trên thực tế, chúng ta đã được chứng kiến tấm lòng tương trợ, khi nạn lụt xảy ra là lập tức lên đường khắp mọi miền tổ quốc hướng về đồng bào miền Bắc vừa qua?
– Vâng! Cái đẹp đó không ở má phấn, môi hồng, không ở tà áo thướt tha… mà cái đẹp ở sự bất chấp khó khăn, từ những giọt mồ hôi, từ những đêm không ngủ, từ những bữa cơm qua loa, cầm hơi… Chúng ta có quyền tự hào vì “ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng” – xưa anh hùng trong thời chiến, nay anh hùng trong thời bình!
Giữa tâm bão, lũ, hình ảnh các chú bộ đội, công an lao vào biển nước để cứu người, cõng cụ già, trẻ em đi ngược dòng nước lũ… đã làm nhói lòng của triệu triệu người con nước Việt. Điển hình như anh Lục Văn Nguyên, cán bộ Công an xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã nhảy xuống dòng nước lũ cuộn chảy để cứu cháu bé N.Q.B; anh trưởng thôn Ma Seo Chứ, thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã có quyết định sáng suốt đã di tản 115 người dân thoát khỏi vụ sạt lở để đến nơi an toàn; anh Ngô Văn Khanh, 26 tuổi ở tỉnh Phú Thọ cứu người trong vụ sập cầu Phong Châu. Lúc được phỏng vấn, Khanh đã trả lời là: “Lúc đó, em chỉ hành động theo bản năng để cứu người, chứ không kịp suy nghĩ nhiều”…
Vâng, tôi tin anh Khanh nói đúng, đã hành động theo bản năng, và đó là bản năng tốt, thật đáng trân trọng! Như chúng ta biết rằng, về mặt lý thuyết, con người sở hữu nhiều bản năng, và trong mỗi người, tồn tại đồng thời các bản năng tốt và xấu. Những bản năng này chỉ thực sự bộc lộ ra khi gặp những tình huống nhất định.
Qua những câu chuyện chị chia sẻ, có thể thấy rõ từ thiện là từ tâm, chính vì thế, từ thiện còn là vấn đề đạo đức và thượng tôn pháp luật?
– Bản chất của “từ thiện” đã cho ta thấy đây là việc xuất phát từ tâm, là việc thiện lương của con người, là tình thương trao đi, là sự sẻ chia. Điều tôi muốn nói ở đây là cho dù “bên cho” họ không muốn công bố, kể công, tặng thưởng về việc làm từ thiện của họ thì về phía bên tiếp nhận, chúng ta cũng nên minh bạch, rõ ràng để đảm bảo sự vô tư, trong sáng, sự trân trọng đối với “bên cho”.
Bản chất của “từ thiện” chính là “từ tâm”. Đó là sự mong muốn, là sự tự nguyện, không bị ép buộc, không làm trái với ý muốn của mình. Vấn đề này được pháp luật nước ta cho phép. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này phải trong khuôn khổ pháp luật.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nguồn: https://daidoanket.vn/nha-tho-sao-mai-ban-chat-cua-tu-thien-la-tu-tam-10291761.html