Loại bệnh gây tàn phế nhiều
Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, viêm khớp dạng thấp (thấp khớp) là một bệnh thường gặp nhất, mang tính xã hội không chỉ do tỉ lệ người mắc bệnh cao mà còn là bệnh nguy hiểm để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thấp khớp hiện nay được gọi là viêm khớp dạng thấp để phân biệt với các bệnh khớp khác như: Thấp khớp cấp, Viêm khớp mạn tính, Thấp khớp phản ứng…Tỉ lệ mắc bệnh cao 0,05 – 3% dân số. Thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên (70-80%), tuổi trên 30 gặp nhiều (60-70%).
Trong số các bệnh khớp, viêm khớp dạng thấp là một trong các loại bệnh viêm khớp gây tàn phế nhiều nhất. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ diễn biến mạn tính với các đợt tiến triển liên tiếp. Khi đó, các khớp nhanh chóng bị biến dạng, thậm chí không còn khả năng phục hồi.
Triệu chứng đa số trường hợp bắt đầu từ từ tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu cấp tính. Trước khi các dấu hiệu khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, ra nhiều mồ hôi, rối loạn vận mạch.
– Giai đoạn khởi phát: 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, trong đó 1/3 bắt đầu bằng viêm một trong các khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay, bàn ngón, ngón gần, 1/3 là khớp gối và 1/3 các khớp còn lại.
Tính chất: sưng đau rõ, ngón tay thương có hình thoi, dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thấy từ 10-20%. Bệnh diễn biến kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
– Giai đoạn toàn phát: Vị trí viêm khớp ở bàn tay 90%, khớp bàn ngón 70%, bàn chân 70%, cổ tay 90%, khớp ngón gần 80%, cổ chân 70%, khớp gối 90%, khớp khuỷ 60%, ngón chân 60%…Các khớp háng, cột sống, hàm, ức đòn đều hiếm gặp và thường xuất hiện muộn.
Bệnh cần được chẩn đoán sớm để điều trị có kết quả hơn. Hội liên hiệp những người chống bệnh Thấp khớp ở Mỹ (ARA) đã đưa ra một tiêu chuẩn chẩn đoán 11 điểm mà cho đến nay vẫn được hầu hết các nước công nhận, gọi là tiêu chẩn ARA 1958.
Đến năm 1987, Hội Thấp Khớp Mỹ đề ra một tiêu chuẩn chẩn đoán mới gồm 7 điểm, hiện đang được nghiên cứu, áp dụng, gọi là tiêu chuẩn chẩn đoán ARA 1987. Chẩn đoán xác định khi có từ 4 tiêu chuẩn trở lên gồm.
1. Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ.
3. Sưng đau kéo dài ít nhất trên 6 tuần lễ ở 3 vị trí trong 14 khớp: ngón tay gần (2), bàn ngón (2), cổ tay (2), khuỷ tay (2), gối (2), cổ chân (2), bàn ngón chân (2).
2. Sưng đau một trong ba vị trí: khớp ngón tay gần, khớp bàn chân, khớp cổ tay.
3. Sưng khớp đối xứng.
4. Có hạt dưới da.
5. Phản ứng tìm yếu tố thấp dương tính.
6. Hình ảnh X quang điển hình.
Tại Việt Nam, vì khó khăn trong việc Xquang, chọc dịch, sinh thiết… để chẩn đoán xác định, vì vậy, các nhà nghiên cứu đề ra một số yếu tố sau:
– Nữ, tuổi trung niên.
– Viêm các khớp nhỏ ở hai bàn tay (cổ tay, bàn ngón và ngón gần), phối hợp với các khớp gối, cổ chân, khuỷ chân.
– Đau có tính đối xứng.
– Có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng.
– Diễn biến kéo dài trên hai tháng.
Kích thích huyệt nào phòng trị bệnh?
Theo Lương y Tân, viêm khớp dạng thấp nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:
– Loãng xương: Bản thân bệnh lý nguy hiểm này cùng với một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Đặc biệt, sự hình thành các nốt dưới da tại những khu vực khớp chịu áp lực lớn như khuỷu tay tại các vị trí nào trên cơ thể, kể cả ở phổi.
– Khô mắt, khô miệng: Người bệnh có nguy cơ cao đồng mắc hội chứng Sjogren (một dạng rối loạn làm giảm tiết dịch trong mắt và miệng).
– Nhiễm trùng: Một số loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh lý này có thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
– Bất thường trong thành phần cơ thể: Tỉ lệ mỡ so với cơ thường cao hơn ở người bệnh viêm khớp dạng thấp, ngay cả khi chỉ số khối cơ thể (BMI) của người bệnh ở mức bình thường.
– Hội chứng ống cổ tay: Tình trạng viêm khi tác động lên cổ tay có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh ở bàn tay và ngón tay, gây ra hội chứng ống cổ tay.
– Bệnh tim mạch: Viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch và viêm niêm mạc tim (nội tâm mạc và ngoại tâm mạc).
– Bệnh phổi: Người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao bị viêm phổi kẽ , dẫn tới tình trạng khó thở.
– Ung thư hạch: Khi không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến người bệnh bị ung thư hạch. Đây là một nhóm ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.
Theo Lương y Hoàng Duy Tân, muốn phòng đau khớp tiến đến trị trị khỏi, trước hết phải làm thông thoáng huyết lạc toàn thân.
Do đó, có thể kích thích các huyệt Tỉnh trên đầu ngón tay. Kiên trì xoa bóp kỹ các huyệt này có thể làm lưu thông tuần hoàn máu các nội tạng có liên quan, làm cho máu chảy được thuận lợi đến các khớp và thâm nhập vào đoạn cuối.
Ngoài ra, kích thích huyệt Hổ kim thốn, Dương trì trên mu bàn tay cũng có thể hạn chế đau khớp.
Chỉ cần hàng ngày liên tục kích thích hai huyệt đạo này, đau khớp sẽ giảm hơn, khiến cho tinh thần của bạn thoải mái tươi vui. Bất cứ viêm khớp nặng như thế nào chỉ cần cố gắng, có quyết tâm, nhất định sẽ khắc phục được đau mỏi, khôi phục sức khỏe.
Huyệt chính để dịu đau: Hổ kim thốn, Dương trì.
Huyệt thúc đẩy tuần hoàn máu để cải thiện triệu chứng: Thiếu xung, Quan xung, Trung xung, Thương dương, Thiếu thương (các Tỉnh huyệt).
Đối với huyệt Hổ kim thốn và Dương trì, cần dùng 5 – 6 que tăm kích thích hơi mạnh. Điều cần chú ý là không được kích thích mạnh quá để tránh bị chảy máu hoặc tổn thương.
Đối với Tỉnh huyệt, cần thường xuyên day ấn, xoa xát. Với các khớp đau, kích thích bằng cách làm ấm hoặc cứu bằng thuốc đều có thể làm dịu cơn đau (xem vị trí các huyệt vị ở hình bên trên).
Nguồn: https://tuoitre.vn/bam-huyet-o-tay-phong-tri-duoc-viem-khop-dang-thap-20241006160357474.htm