“Khách du lịch nước ngoài có hành vi không phù hợp, thực hiện các hoạt động không được cho phép trong thị thực, sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán và vi phạm các quy định khác đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc”, Thống đốc tỉnh Bali Wayan Koster cho biết tại một cuộc họp báo về phát triển du lịch ngày 28.5, theo hãng thông tấn Bernama.
Cuộc họp báo có sự tham gia của Chánh thanh tra Cảnh sát Bali Putu Jayan Danu Putra và các bên khác.
“Xử lý nghiêm khắc bao gồm trục xuất, xử phạt hành chính, phạt hình sự, đóng cửa cơ sở kinh doanh cũng như các biện pháp trừng phạt cứng rắn khác”, ông Koster cho hay.
Ông cũng nhắc lại rằng việc sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài đồng rupiah của Indonesia làm phương tiện thanh toán tại nước này là hành động bị cấm.
Theo luật pháp Indonesia, nếu một người sử dụng các hình thức tiền tệ khác ngoài đồng rupiah, họ có thể bị phạt tù tới một năm và phạt tiền tối đa 200 triệu rupiah (khoảng 313 triệu đồng).
“Những người thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoại hối mà không được Ngân hàng Indonesia cho phép có thể bị phạt tù với mức tối thiểu là một năm và tối đa là 5 năm, cũng như bị phạt tiền với mức tối thiểu là 50 triệu rupiah (78 triệu đồng) và tối đa là 22 tỉ rupiah (34 tỉ đồng), theo ông Koster.
“Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính bằng các hình thức như khiển trách bằng văn bản, buộc nộp phạt và cấm giao dịch thanh toán”, vị quan chức cho biết.
Ông Trisno Nugroho, người đứng đầu Văn phòng đại diện tại Bali của Ngân hàng Indonesia, cho biết tiền điện tử, với tư cách là một tài sản, được phép lưu hành ở Indonesia nhưng bị cấm sử dụng để thanh toán.