Trần Ngọc Gia Khoa, sinh 2004, hiện sống ở thủ đô Praha, CH Séc. Chỉ còn vài ngày nữa, Khoa sẽ lên đường sang Anh, theo học tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE). Đây là một trong những trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới về giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Gia Khoa là học sinh duy nhất nhận được học bổng toàn phần (Cato Stonex Undergraduate Scholarship) của trường dành cho học sinh EU. Học bổng này sẽ chi trả cho em toàn bộ học phí hơn 41.000 bảng Anh/năm cùng khoản trợ cấp sinh hoạt.

“Đây là món quà tuyệt vời nhất em muốn dành tặng mẹ, như một sự bù đắp cho những vất vả, hy sinh mẹ đã âm thầm chịu đựng trong suốt những năm tháng qua”, Gia Khoa nói.

Đi du lịch Anh T2 2023.jpeg
Trần Ngọc Gia Khoa hiện sống ở thủ đô Praha, Séc (Ảnh: NVCC)

Khoa cho biết, sau khi cha mẹ ly hôn, mẹ em quyết định đưa hai con trai rời khỏi Việt Nam, bắt đầu cuộc sống mới tại Séc. Nơi đầu tiên cả ba mẹ con chuyển tới là Ústecký kraj, một trong những vùng kinh tế khó khăn nhất của đất nước này.

Ra đi với số tiền ít ỏi lại không biết tiếng bản địa, Khoa nhớ lại, đó là quãng thời gian cả nhà phải vật lộn với những thiếu thốn về tiền bạc.

Để có thể lo cho hai con, mẹ Khoa thường xuyên làm các công việc chân tay vất vả, từ 5 giờ sáng tới 10 giờ đêm. “Cứ cái gì ra tiền là mẹ làm và làm không biết mệt mỏi”.

Trong khi đó, anh trai Khoa mắc bệnh tim bẩm sinh. Không ít lần Khoa chực trào nước mắt khi nhìn mẹ và anh trai phải dậy từ 3 giờ sáng để bắt chuyến tàu sớm lên thủ đô điều trị bệnh. Nhưng cũng chính những vất vả của mẹ lại là động lực để Khoa chăm chỉ đi học, đi làm.

11 tuổi, Khoa bắt đầu nhận một vài công việc nhỏ kiếm tiền phụ giúp mẹ như dạy thêm Toán và Vật lý ở khu người Việt khoảng 2-3 buổi/tuần, tìm kiếm nguồn dịch thuật thêm… Dẫu chỉ có thể hỗ trợ mẹ một khoản nhỏ, nhưng điều đó cũng giúp Khoa học cách nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống.

“Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, em hiểu rằng chỉ khi cố gắng, bản thân mới đạt được những điều mình muốn”, Khoa nói.

Năm Khoa học hết cấp 2 cũng là lúc anh trai vào đại học, mẹ em quyết định đưa cả nhà chuyển tới thủ đô Praha để thuận tiện hơn cho việc học của con. Lúc này, Khoa cũng thi đỗ vào một ngôi trường cấp 3 chuyên về tài chính ở Praha. 

15 tuổi, khi đủ tuổi hợp lệ hóa việc đi làm thêm, Khoa xin mẹ cho đi bán hàng thuê tại một cửa hàng quần áo. Một thời gian sau, nam sinh xin làm cộng tác viên cho Hội đồng Anh, cũng là công việc em duy trì cho đến hiện tại.

Theo học tại một ngôi trường cấp 3 chuyên về tài chính, điều này cũng mang đến cho Khoa nhiều thuận lợi. Ngoài những môn nền tảng được học trong năm lớp 10-11, năm lớp 12-13, học sinh được học các môn chuyên sâu như Xã hội học, Kinh tế, Kế toán, Luật…

Từ lớp 12, học sinh bắt buộc phải tham gia một kỳ thực tập ngắn hạn. Thời gian này, Khoa được thực tập ở ban Đầu tư tại Ủy ban thủ đô Praha. Lớp 13, nam sinh được đi thực tập ở ngân hàng lớn nhất Đông Âu và Trung Âu – Česká spořitelna (thuộc Erste Group) và một số tổ chức quốc tế khác. 

“Những trải nghiệm này giúp em có thêm hiểu biết và nền tảng về kinh tế, nhờ đó chắc chắn hơn với lựa chọn theo đuổi lĩnh vực này trong tương lai”, Khoa nói.

19b1f0ba df05 4e21 8155 ecbe42877021.jpg
Khoa chụp cùng Phó Thủ tướng Séc Ivan Bartos (Ảnh: NVCC)

Quyết định lựa chọn học về tài chính, ban đầu Khoa mong muốn học tập tại Đức hoặc Hà Lan để mẹ không phải “nặng gánh” với khoản học phí đắt đỏ. Nhưng sau đó, nam sinh vẫn quyết định thử sức thêm với một số trường top đầu của Anh, dẫu mức học phí phải chi trả gấp tới 20 lần.

Cuối cùng, Khoa trúng tuyển 9 trường đại học ở các nước Anh, Hà Lan, Đức, Séc, Na Uy, trong đó có Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cấp cho em học bổng toàn phần.

Theo nam sinh gốc Việt, thực tế có rất nhiều ứng viên xuất sắc, thậm chí xứng đáng hơn em. Nhưng điều khiến Khoa tự tin rằng mình có cơ hội là sự gắn kết sâu sắc với giá trị mà ngôi trường này theo đuổi – cam kết về việc tạo ra cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người. 

“Mặc dù em biết chính phủ Séc đã làm rất tốt việc miễn phí giáo dục cho tất cả học sinh, nhưng thực tế vẫn còn nhiều gia đình nghèo vấp phải nạn phân biệt chủng tộc. Như em trước đây từng sống tại một tỉnh nghèo, cũng từng chứng kiến nhiều gia đình thậm chí không thể chi trả tiền cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa hay mua bút vở. Do đó, mong ước của em là được học tập và áp dụng những kiến thức mình có được để tạo ra cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người”.

Ngoài ra, trong bài luận, Khoa cũng nhắc nhiều đến sự hy sinh của mẹ. “Trong suốt nhiều năm, tôi đã chứng kiến mẹ làm việc không ngừng nghỉ chỉ để đảm bảo anh em tôi có đầy đủ điều kiện sinh hoạt. Mẹ luôn đặt nhu cầu của chúng tôi lên trên sức khỏe và mong muốn của chính mình. Dù mệt mỏi và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, mẹ chưa bao giờ để gánh nặng của mình trở thành gánh nặng của chúng tôi. 

Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã ảnh hưởng sâu sắc, góp phần định hình nên những ước mơ và khát vọng học tập của tôi. Cùng nhau, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, từng bước tiến về phía trước”, Khoa viết trong bài luận.

Ngày nhận bằng.jpeg
Khoa và mẹ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường Obchodní Akademie Heroldovy Sady. (Ảnh: NVCC)

Chứng kiến những nỗ lực của em trai, Trần Ngọc Khiêm (25 tuổi), anh trai Khoa, cho biết, từ khi còn rất nhỏ, Khoa đã hiểu chuyện và chín chắn hơn so với tuổi. “Khi những đứa trẻ khác vui chơi hồn nhiên, Khoa lại dành phần lớn thời gian để đi học và làm. Lúc nào, Khoa cũng ý thức rõ ràng về trách nhiệm với gia đình. Chính hoàn cảnh và môi trường sống đã tôi luyện cho em một ý chí mạnh mẽ và bản lĩnh vững vàng”, Khiêm nói.

Nhưng Khoa lại nhìn nhận, những điều em làm không có gì to tát. “Mẹ đã dành mọi thứ cho em, do đó em phải cố gắng biến ước mơ thành hiện thực. Sự vất vả làm lụng cả đời của mẹ chính là động lực thôi thúc em phải thành công”, Khoa chia sẻ.

Á hậu tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: ‘Tôi sẽ học lên cao hơn’Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2022 Trịnh Thùy Linh vừa tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh doanh và Marketing thuộc Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.