Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, với dân số trên 49 vạn người, gồm 20 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 85%. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Lai Châu lần thứ III, năm 2019, công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo đã đạt được kết quả nổi bật, nhất là ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.
Năm 2019 toàn tỉnh có 66 xã, 696 bản đặc biệt khó khăn, thì đến năm 2024 giảm còn 54 xã, 557 bản đặc biệt khó khăn. Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,93%/năm, riêng huyện nghèo giảm 5,7%/năm, vượt Nghị quyết lần lượt 0,7% và 0,9%/năm. Đến năm 2023, toàn tỉnh còn 25.426 hộ nghèo, chiếm 23,88%, (trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 28,2%). Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS năm 2023 là 18,36 triệu đồng/người/năm, tăng 2,84 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh Lai Châu thực hiện hiệu quả nhiều đề án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021-2025. Chương trình đầu tư, hỗ trợ trên hầu hết các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, an sinh xã hội…đã tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: Các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đóng góp nguồn lực lớn và quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với mức bình quân của tỉnh. Các chính sách dân tộc được triển khai bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung đầu tư, hỗ trợ. Đồng thời, chú trọng giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
Từ nguồn lực của chính sách, nhiều công trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ; nhiều mô hình kinh tế, phát triển sản xuất được nhân rộng, phát huy hiệu quả. Chính sách cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, bảo đảm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương…
Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2024-2029, tỉnh Lai Châu xác định: Tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS. Khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc. Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa đồng bào DTTS của tỉnh so với bình quân chung của tỉnh và cả nước. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển.
Phấn đấu thu nhập bình quân người DTTS đạt trên 34 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%. Phấn đấu 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2030, các địa phương cơ bản xóa bỏ hết các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh và nông thôn mới…
Tam Đường (Lai Châu): Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo trong đồng bào DTTS
Bình luận (0)