Mặc dù đã có không ít thay đổi, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được giải bài toán về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khiến thách thức trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 rất lớn.
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết không để thiếu điện cho nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh |
Nhiệm vụ thách thức
Cuộc gặp mặt đầu Xuân của Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu cuối tuần trước ghi nhận những cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu các doanh nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết không để thiếu điện cho nền kinh tế. Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đảm bảo giữ vững huyết mạch xăng dầu. Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục giữ vị trí số 1 Việt Nam về thị phần khai thác cảng…
Không chỉ dừng lại ở cam kết, việc bắt tay triển khai đã được ghi nhận trong kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của một số cơ quan đại điện chủ sở hữu, về cơ bản, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024 của các doanh nghiệp đã bao gồm nhiều dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực nền tảng, quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, như năng lượng, viễn thông, hạ tầng giao thông – vận tải…
Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch đầu tư với tổng nguồn vốn hợp nhất 205.000 tỷ đồng và tại các công ty mẹ là khoảng 100.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 cao hơn nhiều so với năm 2023, như Tổng công ty Viễn thông MobiFone dự kiến kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 của Công ty mẹ là 4.388 tỷ đồng, bằng 155,8% so với thực hiện năm 2023.
Trong năm nay, các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty cũng xác định tập trung đầu tư, triển khai một số dự án trọng điểm trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, tạo tiền đề và động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Có thể kể đến Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành – thành phần 3, Dự án Đầu tư tàu bay thân hẹp, Dự án Đầu tư xây dựng các bến cảng container số 3, số 4, số 7, số 8 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, nhiệm vụ được giao cho khu vực doanh nghiệp nhà nước trong năm nay khá thách thức.
Một mặt, kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo phục hồi yếu và tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn. Mặt khác, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với giai đoạn khó khăn, sức khỏe bị bào mòn sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài, động lực quan trọng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay và cả giai đoạn 2021-2025 được trông nhiều vào khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, thách thức mà khu vực doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt trong năm nay còn đến từ việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư của năm ngoái, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa đạt kế hoạch phê duyệt. Một số tập đoàn có tỷ lệ giải ngân thấp, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt gần 66%, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT) đạt 61% và MobiFone đạt 56%.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty mới tập trung vào một vài nhóm ngành quan trọng như năng lượng, hạ tầng giao thông; kết quả đầu tư của các ngành, lĩnh vực khác còn hạn chế.
Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen…) chưa được xem xét, ưu tiên, chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Không chỉ vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các dự án mới của doanh nghiệp nhà nước được triển khai và thực hiện rất ít trong giai đoạn vừa qua. Việc không thực hiện các dự án đầu tư mới sẽ dẫn đến năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới không theo kịp xu hướng phát triển của đất nước; không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực tại khu vực và quốc tế…
Rốt ráo giải bài toán tự chủ
Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước thấm hơn ai hết các thách thức đang đối diện, nhưng cũng là những người hiểu rõ chìa khóa nằm ở đâu.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thẳng thắn, để doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm thì cơ chế quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, cũng như hoạt động của doanh nghiệp cần sớm được đổi mới.
Ông Ấn đề xuất tăng cường giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, tăng cường giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, mục tiêu giao cho doanh nghiệp nhà nước cần cụ thể hoá cho từng loại hình và từng doanh nghiệp, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu có giá trị gia tăng cao, tránh chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận đơn thuần.
“Đặc biệt, cơ chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước cũng cần được đổi mới triệt để”, ông Ấn để xuất.
Ông Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), trong đó cụ thể hóa các quy định về vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, về đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, trên cơ sở tổng thể theo mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp không tách riêng từng dự án, từng danh mục đầu tư…, nhằm phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của người quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước theo hướng cho phép một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đặt vị trí, sứ mệnh lớn và đầy thách thức của khu vực doanh nghiệp cùng với quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp nhà nước nói chung và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Có thể thấy rõ, mối quan hệ này chưa tương xứng. Doanh nghiệp nhà nước không được tự chủ thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình; người lao động, nhất là lao động quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực phát huy tối đa năng lực của mình cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Trong khi đó, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần phải phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Ở đây, thách thức để khu vực doanh nghiệp nhà nước hoàn thành nhiệm vụ của năm 2024 cũng đang đặt lên vai cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Ngay trong cuộc gặp mặt, nhiều phần việc phải làm ngay trong năm nay được giao cho các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68/2022/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị số 12/2023/CT-TTg của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án về quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có căn cứ thực hiện quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư và sản xuất – kinh doanh năm 2024. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ với nhiều nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của đại diện chủ sở hữu cho hội đồng thành viên, chủ tịch công ty và cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trình Quốc hội xem xét quyết định, trong đó cần thể chế hóa các chủ trương, định hướng về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ quyết định các vấn đề lớn, quan trọng mang tính định hướng và tập trung vào việc kiểm tra, giám sát.
Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý về lương, thưởng của người quản lý và người lao động tại doanh nghiệp nhà nước; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định hướng dẫn Luật Đấu thầu, Luật Đất đai mới theo hướng đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, mua sắm phục vụ sản xuất – kinh doanh…
Tinh thần trong triển khai các công việc này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm”.