Dù đã phải trì hoãn bốn ngày để thống nhất các tranh cãi nội bộ nhưng cuộc họp trực tuyến của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vào 30/11 vẫn đối mặt với nhiều câu hỏi.
Để cứu giá dầu sụt giảm OPEC+ đã cam kết giảm sản lượng. (Nguồn: Reuters) |
Trước hết là thách thức từ thị trường đầy biến động bởi giá dầu giảm do sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc chậm hơn dự kiến và xung đột ở Trung Đông. Trong bối cảnh tâm lý tiêu cực chi phối thị trường, các dự báo mới nhất cho thấy giá dầu thô Brent sẽ chỉ đạt trung bình 83 USD/thùng trong năm 2023 và năm tới.
Để cứu giá dầu sụt giảm, trong các cuộc họp lần trước, OPEC+ đã cam kết giảm sản lượng tổng cộng 1,66 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. Đi đầu trong nỗ lực này là Saudi Arabia và Nga với mức cắt giảm tương ứng là 1 triệu và 300 nghìn thùng mỗi ngày.
Nhưng để giữ giá dầu ở mức mong muốn khoảng 100 USD/thùng thì việc cắt giảm trên phải được duy trì trong năm 2024 nếu không muốn nói là còn phải giảm tiếp. Thêm vào đó, ngoài thuyết phục Saudi Arabia duy trì mức cắt giảm, OPEC+ còn phải xác định đường cơ sở – mức độ hạn ngạch với từng quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, đây lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhất là với các nước châu Phi. Angola và Nigeria tỏ ra không hài lòng với quota khai thác được quy định cho năm 2024 nên muốn tăng thêm. Thậm chí, Nigeria hiện đã khai thác trên mức quota của năm 2024.
Vấn đề nữa là nắm bắt cung-cầu của thị trường thế nào để cắt giảm nhưng lại không để mất thị phần vào tay các đối thủ ngoài OPEC+ như Mỹ, Canada và Brazil. Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ lên mức kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng so với dự báo 12,6 triệu thùng/ngày trước đó.
Vì chiếm tới 40% tổng sản lượng dầu lửa thế giới nên việc OPEC+ giải bài toán giá dầu không chỉ tác động đến nguồn thu của các thành viên mà còn cả triển vọng của kinh tế thế giới.