Bối cảnh mới đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước. Đó là không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Bài toán “huy động khối tài sản 70 tỷ USD” của 12 Tập đoàn trên để phát triển đất nước. Chúng ta làm gì cần khai thác các năng lực nội sinh từ kinh tế tư nhân như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội? TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trao đổi với PV Báo KT&ĐT.
Lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với đại diện 12 tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu Việt Nam (với tổng tài sản ước tính trên 70 tỷ USD) ngay sau Hội nghị Trung ương 10. Điều này nói lên điều gì thưa ông?
Trước đây chúng ta đã có những gặp mặt như vậy, như là những năm 2020 đã có cuộc gặp mặt Thủ tướng với các DN tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 2/2023, Thủ tướng cũng đã gặp riêng các DN lĩnh vực bất động sản. Và Thủ tướng cũng đã có những buổi làm việc theo chuyên ngành hẹp như đợt đại dịch Covid 19, Thủ tướng Chính phủ cũng lắng nghe ý kiến của các DN trong lĩnh vực vận tải hàng không. Và nay tiếp nối các chương trình của nhiệm kì toàn khoá, sau Hội nghị TƯ 10, Chính phủ đã có buổi gặp mặt DN ngoài quốc doanh có quy mô lớn của cả nước.
Phải thấy rằng đây là đánh giá rất cao của Chính phủ đối với khối các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Thể hiện niềm tin của Chính phủ đối với các DN Việt Nam. Là minh chứng cho việc Chính phủ không phân biệt đâu là DN thuộc sở hữu Nhà nước hay DN thuộc các thành phần kinh tế khác mà chúng ta tóm gọn lại là DN Việt để sản xuất ra sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu tương đối cởi mở với cộng đồng DN.
Chúng ta cũng phải nói 12 DN tư nhân này có đóng góp lớn ví dụ như nhóm SXCN ô tô, Trường Hải, Thành Công, Huyndai chứ không phải là một DN Nhà nước nào. Qua ví dụ như vậy để chứng minh rằng nền kinh tế của Việt Nam đang vận hành theo đúng cương lĩnh 2011 là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và chúng ta đối xử bình đẳng với tất cả các loại hình DN hoạt động trên đất nước Việt Nam.
Trong đại dịch Covid 19, các DN đã có đóng góp tích cực, hiệu quả để cùng cả dân tộc vượt qua đại dịch, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường. Việt Nam đang khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua, thiên tai, dịch bệnh cùng với bối cảnh hiện nay cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, tốc độ thay đổi của thị trường và công nghệ diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi doanh nhân phải có khả năng thích ứng cao, luôn đổi mới và sáng tạo. Bản lĩnh không chỉ thể hiện ở khả năng vượt qua những khủng hoảng, mà còn ở việc họ chủ động đón đầu xu hướng, không ngừng sáng tạo để nắm bắt cơ hội mới.
Các DN dân tộc được chờ đợi sẽ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn 2030-2045, lớn mạnh để trở thành các tập đoàn kinh tế tầm vóc khu vực và thế giới. Ông đánh giá sao về các Tập đoàn tư nhân hiện nay của Việt Nam?
Phải nói rằng, kể từ giai đoạn thời kỳ đổi mới năm 1986 đánh dấu bằng cột mốc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, đến giờ chúng ta có thể nói sau 40 năm hoạt động chúng ta đã có đội ngũ DN lớn, có một số DN vươn lên để trở thành trụ cột trong nền kinh tế. Nếu nói về thép, Hoà Phát cùng với Tổng Công ty thép Việt Nam và Fomusa là 3 DN sản xuất thép chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Ô tô thì trong 3 DN lớn, đã có 1 DN thương hiệu Việt, còn lại 2 DN kia là lắp ráp và tăng dần tỷ lệ nội địa hoá. Để đến 2030-2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam chúng ta kỳ vọng với chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước thì các DN thuộc các thành phần kinh tế khác ý thức được sự tôn trọng, và tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Ở thời điểm này, tôi không đồng tình với cách gọi 12 DN này là “DN dân tộc”. Nếu so với các khái niệm tư sản dân tộc giai đoạn 1945 khi vừa dành được độc lập, các đóng góp của nhà tư sản, doanh nhân (Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi…) vào công cuộc kháng chiến kiến quốc cụ thể hơn và tạo ra được phong trào mạnh mẽ trong toàn dân. Bối cảnh các nhà tư sản dân tộc ở thời điểm 1945 khó khăn hơn rất nhiều so với thời kỳ các DN doanh nhân ở thời kỳ 1986 đến giờ. Đến thời điểm hiện nay, môi trường hoạt động đã khác nhưng tính lan toả và đầu tàu lôi kéo của 12 DN tư nhân trên vẫn không được bằng thế hệ đi trước.
Chúng ta phải thấy rằng, vốn và doanh thu, lợi nhuận họ có thể cao hơn rất nhiều nhưng chỉ trừ một số rất ít DN đi trước mở đường có tính chất dẫn dắt, còn lại vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Ở thời điểm này, chúng ta chưa nên dùng khái niệm DN dân tộc mà tạm gọi là DN lớn.
Tại gặp gỡ với Thường trực Chính phủ vừa qua, 12 Tập đoàn tư nhân lớn đã đề xuất với Chính phủ rất nhiều vấn đề. Ông đánh giá thế nào về các đề xuất này? Điểm chung cần lưu ý các kiến nghị này là gì, cho thấy điều gì thưa ông?
Điểm chung là 12 DN kiến nghị phát triển hơn nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, khó dự báo. Những kiến nghị của DN tương đối phù hợp với mong muốn và khả năng của các DN này. Nhưng Thủ tướng Chính phủ phải có cân đối giữa mục tiêu chiến lược chúng ta đặt ra và mô hình kinh tế chúng ta xây dựng theo cương lĩnh 1991 và 2011 chúng ta không phân biệt các loại hình DN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ví dụ như của Vietjet đề xuất đưa Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới là nằm trong chiến lược phát triển của ngành GTVT, của đất nước. Nếu không có chiến lược này chúng ta cũng không xây sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư rất lơn hơn 10 tỷ USD cho cả hai giai đoạn. Như Thủ tướng nói, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, vấn đề ở đây khi nhà nước đã bỏ ra cơ sở hạ tầng thì phần thượng tầng và thiết bị máy bay, các DN phải vận dụng có cơ chế để đầu tư. Lúc này đầu tư công mới mang rõ tính dẫn dắt.
Hay như đề xuất của Hoà Phát nhận làm đường sắt cao tốc, là vấn đề mà các cơ quan chức năng đã chủ động làm việc với Hoà Phát từ nhiều năm trước và đưa ra khuyến nghị với đường sắt và chế tạo ray kết cấu lớn để phục vụ tàu. Chính phủ sẽ công bố dự án, phương thức huy động và sẽ ưu tiên cho DN Việt Nam bao gồm Hoà Phát và Tổng Công ty Thép Việt Nam và cả những DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để họ tham gia đấu thầu.
Chúng tôi thấy rằng, mong muốn phát triển Việt Nam thịnh vượng với mong muốn phát triển của DN gần trùng với nhau. Tôi cho rằng việc sắp tới là công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Có điểm đáng lưu ý, trong lần đề xuất này của một số DN, ngoài mục tiêu vươn tầm thế giới còn gắn với cả công nghệ, tận dụng CN4.0 cho thấy rằng các DN này đã đi đúng thời cuộc và họ có bản lĩnh mang một sứ mệnh dân tộc?
Có thể nói rằng, ứng dụng thành quả CN4.0 vào trong sản xuất là đòi hỏi tất yếu hiện nay. Nó không hẳn là yêu cầu của Chính phủ Việt Nam mà đòi hỏi trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta thấy rằng rất nhiều DN tư nhân hay DN Nhà nước đã phải vươn ra. Nhưng mong muốn là một chuyện, khả năng thực hiện là một chuyện khác và chúng ta phải lưu ý một điều, các nước đi trước chuyển giao công nghệ và thành quả cho các nước đang phát triển là một điều rất khó khăn.
Chúng ta để ý phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc lần thứ 79 vừa qua, đồng chí có nói, việc chuyển giao công nghệ là có tính chất gần như là nghĩa vụ của các nước đi trước, làm sao bảo vệ trái đất này, cùng nhau phát triển giữ gìn môi trường sống.
Đến bây giờ chúng ta thấy chuyển giao công nghệ của ta vẫn hạn chế. Chúng ta chia sẻ mong muốn của các DN, mong muốn Chính phủ tạo ra một thị trường nội địa đủ lớn cho các DN Việt Nam có điểm tựa vươn ra thế giới, lấy đó là nguồn thu cơ bản để họ có thể đầu tư phát triển mua công nghệ mới. Còn việc cạnh tranh được, cạnh tranh như thế nào, bản thân đòi hỏi sự năng động sáng tạo của DN.
Bộ KH&ĐT nhận định, các DN tư nhân, nhất là các DN quy mô lớn đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao cần phát huy tiềm lực, vai trò tiên phong, dẫn dắt. Chính phủ có thể giao nhiệm vụ lớn gì cho các Tập đoàn tư nhân? Quan điểm của ông thế nào và có thể giao lĩnh vực nào?
Có thể giao cho các DN tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và chúng ta sẽ có vốn đầu tư công để mồi. Ví như đường sắt tốc độ cao. Nhà nước sẽ bỏ tiền ra thuê tư vấn thiết kế, bỏ tiền GPMB và việc mua công nghệ các DN có trách nhiệm mua theo yêu cầu của Nhà nước và tổ chức thi công để có dự án như Nhà nước mong muốn. Và như vậy, như DN thép phải có tự động hoá , sản xuất năng lượng, vật liệu chất lượng và nguồn nhân lực để tạo ra chuỗi sản phẩm cho công nghệ đường sắt.
Vấn đề ở đây phải nói với nhau rất thật, nói đây là thời điểm giao các Tập đoàn tư nhân các nhiệm vụ lớn nhưng chưa nói phương thức giao thế nào, cho nên tôi cho rằng, vấn đề phải là đấu thầu cạnh tranh.
Các DN phải tập trung vào trách nhiệm xã hội chứ nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận mà không đặt vấn đề trách nhiệm xã hội rất khó để có việc mang tính chất dài hơi, vào những vấn đề đất nước tin tưởng giao cho.
Một số nhận định cho rằng, bên cạnh về thể chế, pháp luật tạo điều kiện cho DN tư nhân nói chung, cần phải nghiên cứu một cơ chế riêng cho các Tập đoàn kinh tế tư nhân? Như vậy có phải đặc thù không bình đẳng? Cần có yên cầu cam kết nào từ phía các DN lớn này?
Đứng về góc độ nghiên cứu và quản lý nhà nước, những đề xuất đó cá nhân tôi cảm thấy không chấp nhận được. Tháng 2/2023 cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với DN BĐS, và bây giờ 18 tháng trôi qua, kết quả các DN đó thực hiện với đất nước thế nào? Nên trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân đối với đất nước nếu không có những chế tài và quy định cụ thể không được. Các Mác đã nói “lợi nhuận tới 300% thì treo cổ họ cũng làm” nên chúng ta rất bình tĩnh, mong muốn các DN Việt phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu là mong muốn rất đúng đắn. Tạo điều kiện để họ phát triển đồng hành cùng với DN có vốn sở hữu toàn dân là điều chúng ta đang làm. Nhưng chúng ta phải có chế tài.
Ví dụ phải có công nghệ, nguồn nhân lực, đóng góp lương, đãi ngộ cho người lao động nhưng thế nào, và bắt buộc phải có sự liên kết với các DN nhỏ và vừa khác.
Ông phản đối cơ chế đặc thù cho Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, vậy có một thể chế pháp luật nào vừa thúc đẩy cho DN tư nhân nói chung mà lại chắp cánh cho Tập đoàn tư nhân lớn?
Tôi nói ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, hiện có gần 40 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động. Trong đó, có 4 NHTM CP của Nhà nước nắm vốn chi phối và 2 ngân hàng 100% vốn nhà nước. Đến bây giờ, VP Bank, Techcombank, TPBank họ vẫn hoạt động tốt, mở rộng chi nhánh. Chúng ta đưa ra điều kiện về vốn, nhân sự thị phần bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Chúng ta có ví dụ minh chứng rằng những chính sách, cởi mở, bình đẳng đã thu được những trái ngọt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ.
Tôi cho rằng, cần có một chính sách cởi mở, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ chế chung và những DN lớn với thế mạnh về vốn, quản trị, nhân lực, khả năng điều hành… sẽ vươn lên, bứt phá.
Chính phủ đặt mục tiêu hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ nay đến 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới. Ông thấy sao khi có quan điểm cho rằng, khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình, dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước?
Hiện nay chúng ta đang làm, ví dụ Thaco ở Quảng Nam, Thành Công Huyndai chọn Ninh Bình làm trụ sở, Vinfast chọn Hải Phòng. Hoà Phát văn phòng ở Hà Nội nhưng nhà máy ở khắp nơi. Các địa phương tạo rất nhiều điều kiện.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, bản lĩnh doanh nhân ngày càng trở nên quan trọng. Đội ngũ doanh nhân thời đại mới đang đứng trước cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi họ phải không ngừng rèn luyện và phát huy bản lĩnh để dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua mọi biến động của thị trường.
Do đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp mới để xây dựng và phát huy vai trò gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm để đáp ứng được những thay đổi và bối cảnh thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Những kết quả của các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nhưng đồng thời cũng cần quan tâm đến “bầy chim sẻ” là cộng đồng DN trong nước gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh. Hệ quả là khu vực kinh tế này vẫn rất khó tiếp cận đất đai, vay vốn tín dụng cũng như nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới để lớn lên.
Cần lưu ý rằng 98% DN tư nhân trên cả nước là DN nhỏ và vừa. Do đó, “xây tổ đón đại bàng” cũng đừng quên “dọn tổ cho bầy chim sẻ” bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo khả năng tiếp cận bình đẳng hơn đến các nguồn lực cho DN trong nước phát triển. Khi đó, kinh tế tư nhân sẽ có đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
08:52 30/09/2024
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-toan-huy-dong-khoi-tai-san-70-ty-usd.html