Bài thơ đánh thức tiếng nói thầm lặng
Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà (được in trong sách Tiếng Việt lớp 5 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) đang dậy sóng trên mạng xã hội.
Nhiều người chê bai bài thơ, mạt sát từ tác giả đến người biên soạn và “chê” luôn cả Bộ GD&ĐT. Đặc biệt ở một số diễn đàn của giáo viên, những người quan tâm giáo dục đánh giá bài thơ trúc trắc, nhiều từ… khó hiểu.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (nguyên Trưởng phòng văn học so sánh Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, những lời chê bai, thậm chí xúc phạm bài thơ Tiếng hạt nảy mầm hoàn toàn không phù hợp.
Ông khẳng định đây là bài thơ hay, đậm chất nhân văn. Bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính, ở đó có cô giáo dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu.
“Với đề tài trên đây rất khó viết, khó thể hiện thành thơ và nhất là làm ra bài thơ hay. Thế nhưng ở đây nhà thơ Tô Hà đã làm được.
Bài thơ đánh thức tiếng nói thầm lặng của những người không nghe được bằng lời, các em chỉ nhìn được qua hình ảnh.
Trong không gian mà mọi âm thanh không thể nào giúp trẻ khiếm thính cảm nhận, chỉ có hình ảnh cô giáo giảng dạy cho các em bằng ký hiệu, từ đó mọi thanh âm cuộc sống như ùa về trên từng ngón tay cô.
Nhờ bài giảng của cô giáo, những trẻ em khiếm thính cảm nhận được những thanh âm cuộc sống”, ông Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Cũng theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, sinh thời nhà thơ Tô Hà rất kỹ chữ. Vậy nên nếu chê bài thơ Tiếng hạt nảy mầm dùng từ trúc trắc, chứng tỏ người nhận xét hoàn toàn không hiểu.
“Cánh sẻ vụt qua song/Hót nắng vàng ánh ỏi”, nhiều người cho rằng, sao không dùng từ “óng ả” thay cho “ánh ỏi”? Ở đây từ “ánh ỏi” thể hiện âm thanh ngân vang, vút cao, thay vì mô tả tiếng chim “màu vàng” (óng ả) như nhiều người nghĩ.
Nhà thơ không những dùng từ đắt giá, bài thơ còn đậm chất nhân văn. Thông điệp mà nhà thơ hướng tới: Trẻ em khiếm thính vẫn có những hạt mầm, ở đó nhờ công lao của cô giáo, có thể đánh thức chúng.
Vậy nên theo tôi, bài thơ được chọn vào sách giáo khoa rất xứng đáng”, ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định.
Đạt cả về thơ và về ý nghĩa giáo dục
TS Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục tích cực cho rằng, bài thơ Tiếng hạt nảy mầm đạt được cả hai mục đích về thơ và cả ý nghĩa giáo dục.
Dưới góc độ thơ, khi đọc những khổ đầu, chúng ta dễ cảm nhận bài thơ đã lấp lánh thanh âm.
Ở đây tác giả dùng một loạt hình ảnh để hẩy lên những âm thanh đặc biệt. Những học sinh không nghe được bằng tai, các em có thể cảm nhận được thanh âm bằng mắt.
“Đôi tay cô cụp mở/Báo tưng bừng thanh âm”, cách hẩy chữ của tác giả như thước phim quay chậm. Cùng với những tính từ mạnh và khéo chọn như “ánh ỏi”, có tính gợi mở rất cao, từ đó người đọc cảm nhận được bối cảnh lớp học rất đặc biệt- dành cho những trẻ em khiếm thính”, TS Hiệp nói.
Về mặt sư phạm, theo TS Hiệp, bài thơ đưa đến bài học về sự đồng cảm và giá trị của giáo dục hòa nhập.
Không như những học sinh bình thường, cuộc sống của các em khuyết tật còn nhiều khó khăn. Vậy nên chúng ta phải yêu thương, thấu cảm. Ở đây, giáo viên là những người đầu tiên cần chia sẻ lòng yêu thương và sự thấu cảm ấy.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bai-tho-tieng-hat-nay-mam-xung-dang-dua-vao-sach-giao-khoa-20241006233052670.htm