Mới đây, bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà (được in trong sách Tiếng Việt lớp 5 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) được chia sẻ trên các diễn đàn của giáo viên, những người quan tâm giáo dục với những đánh giá trúc trắc, khó hiểu.
Đặc biệt là ý kiến: “Ôi giời ơi, cứu tôi. Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?” được nhiều người chia sẻ, đồng tình kèm nhiều lời chê bai, thậm chí cả mạt sát từ nhà thơ, cho đến người biên soạn và “chê” luôn cả Bộ GD&ĐT.
Trước những lời chê bai, mạt sát về bài thơ của tác giả Tô Hà từ nhiều người trong diễn đàn dành cho giáo viên, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả có 3 tác phẩm nằm trong bộ sách Chân trời sáng, từng là giáo viên văn, từng là hiệu trưởng một trường cấp 2 ở Cà Mau cho biết, bà thật sự đau lòng khi bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” bị chê bai, mắng mỏ, mạt sát.
Bà đã cố gắng đọc vài trăm comment (bình luận) và nhận thấy người hiểu bài thơ này cũng có nhưng phần lớn là những người chê bai, mắng mỏ.
Không chỉ trích, đối đầu trong trường hợp này nhưng với cảm thụ đọc và hiểu của một giáo viên văn được đào tạo bài bản, bà Hà đánh giá bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương, dễ hiểu.
Đặc biệt, cần chú ý bối cảnh bài thơ được viết dành cho một lớp học khiếm thính.
“Bạn hình dung không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu.
Các em học ngôn ngữ kí hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô. Và như hạt nẩy mầm trên đá, hoa nở trong sa mạc, âm thanh cuộc sống ùa về trên bàn tay cô, trong ánh mắt ngập tràn yêu thương… Bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà tác giả làm được”, bà Hà chia sẻ.
Theo nữ nhà văn, sự hòa nhập cuộc sống bình thường dẫu muôn trùng khó khăn của trẻ khiếm thính được nhà thơ “chụp” lại vô ngần trong trẻo, như một bản nhạc nẩy lên trong tịch mịch im lặng của thế giới âm thanh không thể chạm vào.
“Trẻ khi được học bài thơ này sẽ hiểu và thông cảm hơn với trẻ khuyết tật khiếm thính. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn bởi sự đón nhận những con người lạc quan dù họ không hoàn hảo”, bà Hà chia sẻ đến đây rồi khóc.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cũng bày tỏ, không phải ai cũng đủ tiền để lo trọn vẹn hành trình cấy điện cực ốc tai, việc này cần một số tiền rất lớn. Và kể cả cấy điện cực ốc tai xong cũng chưa hẳn đã nghe được âm thanh nếu không thông qua hành trình tập luyện rất kiên nhẫn trong thời gian dài.
Cho nên ngôn ngữ kí hiệu đã thay cho tất cả.
Theo bà Hà, bỏ qua sự đánh giá cảm tính của bà thì bài thơ vẫn rất “tròn vẹn”, dùng từ rất đắt, chọn lọc.
Ví dụ từ mà mọi người lên án “Hót nắng vàng ánh ỏi”, nhiều người chê nhà thơ dùng từ sai, lẽ ra là “óng ả” chứ sao lại “ánh ỏi”.
Bà Hà phân tích, từ “ánh ỏi” nghĩa là ngân vang, vút cao. Vậy thì tiếng chim hót trong nắng nó ngân vang vút cao hay nó phải màu vàng? Vậy nên nhà thơ đã dùng từ “ánh ỏi” mà không là từ “óng ả” hay từ nào đó khác. Tiếng Việt giàu và đẹp chính nhờ vào những biện pháp tu từ như vậy.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà nêu quan điểm sứ mệnh của văn chương, nghệ thuật là hướng thiện, là vì sự tốt đẹp của con người từ chính ngôn từ đặc sắc, ý nghĩa bao dung.
“Cho đến lúc này, tôi vẫn không thể hiểu một bài thơ hay đến như vậy về ý nghĩ, về câu từ, về nghệ thuật lại bị mạt sát nặng nề đến như vậy”, nữ nhà văn bày tỏ.
Anh Nguyễn Thế Tính, ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM cho hay, tối 4/10, khi lướt mạng xã hội, anh không khỏi ngỡ ngàng khi vào thấy hàng loạt ý kiến “cầu cứu” mang ý nghĩa chê bai bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong sách giáo khoa được chia sẻ chóng mặt.
Không chỉ dừng lại ở việc mạt sát nội dung bài thơ, tác giả bài thơ, anh thấy rất nhiều ý kiến mỉa mai kiểu như đưa bài thơ vào sách giáo khoa “đếm trang ăn tiền”.
Anh Tính có con là trẻ khiếm thính, quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con, anh càng hiểu rõ những câu chữ, ý nghĩa, sự nhân văn của bài thơ. Đó là sự chia sẻ, đồng cảm, cảm thông…
Thế nên anh ngạc nhiên khi không ít người nhân danh sự hiểu biết, nhân danh lo cho tương lai con em lại có thể chê bai bài thơ và tiện thể “ném đá” luôn ngành giáo dục như vậy.
Những lời chê bai, mạt sát đối với bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm”, theo một giáo viên ở TPHCM, lại một lần nữa cho thấy giờ đây dường như ai cũng có thể trở thành “chuyên gia” để bình luận, bình phẩm về giáo dục.
Nhiều người hùa theo đám đông cứ chửi, cứ lên án, cứ bình phẩm mà không cần biết mình đã có đủ năng lực để có những góc nhìn đa chiều và quan trọng hơn là bản thân có đủ sự cảm thông, đủ sự nhân văn hay chưa…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bai-tho-tieng-hat-nay-mam-bi-che-tham-te-nha-van-khoc-nghen-20241005125448149.htm