Bãi Sậy sông Đầm thuộc địa phận xã Tam Thăng và phường An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có diện tích tổng lưu vực 650ha, trong đó 200ha mặt nước với hệ sinh thái, đa dạng sinh học phong phú với gần 300 loài động, thực vật.
Vẻ đẹp nguyên sơ của bãi sậy sông Đầm được hình thành bởi các yếu tố hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, trên bờ với hệ động, thực vật đa dạng gắn với cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.
Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Đây chính là lá phổi xanh của Tam Kỳ, có vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt đây là khu vực có điều kiện và cần thiết để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, hình thành khu Bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, sông Đầm có các loài động thực vật rất phong phú, đa dạng.
Các loài động vật có xương sống ghi nhận được 81 loài, 33 loài cá khác nhau, 16 loài bò sát, ếch nhái, 31 loài chim, đáng chú ý có loài cò nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Các loài thực vật bậc cao có 170 loài thuộc 74 họ.
Đến với sông Đầm, du khách ngồi trên ghe len lỏi vào từng khu rừng sậy mùa này đang trổ hoa, màu xanh ngắt của cây lát, hoa súng nở đua sắc. Bên cạnh đó, mọi người cùng hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ, thỏa thích ngắm nhìn những chim cò đậu ở bãi lau sậy, bay rợp trời.
Trong thời gian qua, Tam Kỳ đã dành nhiều nguồn lực để phục hồi đa dạng sinh học, đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch gắn với sinh kế của người dân.
Địa phương trồng cây, trồng rừng tại các đồi, ven sông với loại bán ngập nước như tràm ta, dừa nước, đồng thời trồng cây xanh như lộc vừng, mù u, cừa, sưa dọc hai bên bờ sông Đầm.
Những ngày này, khu vực bãi Sậy – sông Đầm sẽ diễn ra nhiều hoạt động của Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024.
Ông Nguyễn Minh Nam – phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết nhiều năm qua, thành phố tập trung nguồn lực, đặc biệt vận động người dân bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học vùng gần bờ và vùng lõi của sông Đầm.
Đồng thời dành 20 tỉ đồng để trồng, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm thông qua trồng các cây bản địa như tràm, dừa nước.
“Thành phố kiến nghị tỉnh lập hồ sơ để hình thành khu đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm và hướng đến một công viên thiên nhiên.
Chúng tôi cũng dần từng bước phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và tiếp tục đầu tư trong thời gian tới” – ông Nam nói.