(Dân trí) – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Ông nhiều lần nhấn mạnh rằng văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người truyền lửa cho văn hóa
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa.
Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy hội nhập với thế giới.
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, tình yêu dành cho văn hóa dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố quan trọng.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, gia đình và quê hương đã truyền vào ông tình yêu sâu sắc đối với văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Tổng Bí thư tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Việt Nam.
Không những thế, trước khi trở thành lãnh đạo cao cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều năm công tác trong các lĩnh vực liên quan đến tư tưởng và văn hóa, như biên tập viên, nhà nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản (1967-1996). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (2001 – 2007).
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, đây là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đất nước khi Việt Nam đang thực hiện rất thành công Công cuộc Đổi mới, thực hiện phát triển kinh tế thị trường và tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thành quả của sự phát triển đất nước được cảm nhận rõ ràng ở mọi mặt của xã hội. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Song mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và từ các phương tiện truyền thông mới đã tác động rất lớn đến đời sống văn hóa, tạo ra những vấn đề mới mẻ chưa từng có tiền lệ trong xây dựng văn hóa và con người.
Bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều nguy cơ: Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, lối sống hưởng thụ, văn hóa ngoại lai lấn át, các giá trị truyền thống bị phai nhạt, thương mại hóa văn hóa văn nghệ quá đà không tính đến lợi ích lâu dài… đã gây xói mòn những giá trị văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đạo đức cộng đồng, cá nhân.
Tất cả đòi hỏi một định hướng phát triển văn hóa đúng đắn, rõ ràng để làm hệ điều tiết, dẫn dắt sự phát triển văn hóa cũng như sự phát triển chung của đất nước.
“Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện và vai trò của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở những vị trí quan trọng của đất nước thực sự rất có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một học giả có sự hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị và văn hóa.
Ông đã viết nhiều bài báo, tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và văn hóa dân tộc. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện kiến thức uyên thâm mà còn cho thấy sự trăn trở về con đường phát triển đất nước, làm sao để vừa giữ gìn được truyền thống dân tộc vừa hội nhập, phát triển hiện đại”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị.
Bài phát biểu khiến cả hội trường vỗ tay không ngớt
Tình yêu của Tổng Bí thư dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói. Tinh thần “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, hay “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc”; “văn hóa còn, dân tộc còn” thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của ông về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tích cực ủng hộ và khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Ông đã từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Ông cũng đề cao giá trị của nền văn hóa Việt Nam, khẳng định rằng bảo vệ văn hóa truyền thống là bảo vệ nền tảng tinh thần và bản sắc của dân tộc.
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục nhận được những tràng vỗ tay của đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Các đại biểu cảm nhận rõ tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư dành cho văn hóa, tình yêu của Tổng Bí thư đối với văn nghệ sĩ, với văn nghệ qua những bài thơ dài ông đọc như Chân quê của Nguyễn Bính, Việt Bắc của Tố Hữu…
“Bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu lên nhiều thông điệp và thực sự truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà.
Hệ thống quan điểm về phát triển văn hóa và xây dựng con người của Tổng Bí thư được đúc kết trong các bài viết, bài phát biểu, thư…, được tập hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chắc chắn sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, phát triển văn hóa trong giai đoạn sắp tới”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Vừa là người con Hà Nội và là Bí thư Thành ủy Hà Nội, theo đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng vai trò văn hóa của Hà Nội – trái tim của cả nước, nơi phải thể hiện rõ nét nhất và dẫn dắt sự phát triển chung của văn hóa đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô” và “Hà Nội phải thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Ông nhiều lần nhấn mạnh rằng văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Mỗi lĩnh vực đều có sự liên kết vô cùng quan trọng với văn hóa, trong việc hình thành và phát triển bản sắc dân tộc.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ định hướng cho phát triển văn hóa trong thời gian tới mà còn khẳng định sự quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, tình yêu văn hóa không chỉ là tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư mà còn là một chiến lược phát triển đất nước lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực không ngừng, ông đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
“Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đã và đang đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-van-hoa-khien-hoi-truong-vo-tay-khong-ngot-20240720102126420.htm