Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, tại thủ đô Sofia, Chủ tịch Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng trước các nhà ngoại giao, các học giả, giáo sư, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia – ngôi trường kinh tế bậc cao nổi tiếng có chiều dài lịch sử một thế kỷ, về tình hình thế giới, khu vực hiện nay và quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Bulgaria.
Sau đây là nội dung bài phát biểu:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu về chính sách quan hệ song phương và hợp tác Việt Nam-Bulgaria. (Nguồn: TTXVN) |
1. Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rất vui mừng và xúc động tới thăm đất nước Bulgaria anh em và chân thành cảm ơn Quốc hội Bulgaria cùng cá nhân Ngài Chủ tịch Rosen Zhelyakov đã đón tiếp chúng tôi như những người thân trong gia đình với các nghi lễ trọng thị nhất.
Hôm nay, tại Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia, ngôi trường kinh tế bậc cao nổi tiếng có chiều dài lịch sử một thế kỷ, tôi vui mừng trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn và chân thành về tình hình thế giới, khu vực hiện nay và quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước chúng ta.
Tôi đã có 23 năm giảng dạy tại trường đại học lớn về tài chính và kinh tế Việt Nam. Do đó, đến thăm trường truyền cho tôi cảm hứng rất lớn, nhớ lại thời sôi nổi khi còn đứng trên bục giảng.
Trong chuyến thăm Bulgaria lần này, tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã nhận được tình cảm sâu đậm và sự tiếp đón nồng hậu của các bạn Bulgaria, để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về đất nước Bulgaria tươi đẹp, con người Bulgaria rất nhân hậu và giàu lòng mến khách.
Là những người bạn thân thiết của nhân dân Bulgaria, Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Bulgaria đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập châu Âu, đem lại sự thịnh vượng, ổn định cho đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của Bulgaria. Từ đáy lòng mình, chúng tôi chúc mừng các bạn về những thành công tốt đẹp này.
Nhiều người dân Việt Nam biết đến Bulgaria là xứ sở của những đóa hoa hồng đậm sắc hương cao quý với nền văn hóa lâu đời và lịch sử oai hùng đi cùng những vị anh hùng dân tộc nổi tiếng như Vasil Levski và Hristo Botev; với những câu truyện ngụ ngôn hài hước của vùng Gabrovo; với những nhà khoa học và nghệ sỹ tài năng như John Atanasov và Lili Ivanova.
Tình hữu nghị nồng ấm và dấu ấn văn hóa Bulgaria cũng in đậm trong tâm trí nhiều người Việt Nam qua tập thơ “Vây giữa tình yêu” của nhà thơ lỗi lạc đồng thời là nguyên Phó Tổng thống Bulgaria, bà Blaga Dimitrova, viết về cuộc kháng chiến chống thực dân, giành lại độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Với những tương đồng về lịch sử, Việt Nam và Bulgaria đã gắn bó bằng mối quan hệ hữu nghị thủy chung, son sắt được các nhà Lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp và phát triển xuyên suốt hơn 7 thập kỷ qua, kể từ khi Bulgaria là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sớm công nhận nền độc lập của Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Chuyến thăm hữu nghị tới Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8.1957 đã đặt nền móng và là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước chúng ta. Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Bulgaria đã dành cho Việt Nam.
Người dân Việt Nam vẫn còn lưu giữ sâu đậm hình ảnh hàng nghìn học sinh, sinh viên Bulgaria xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh; công nhân trong nhiều xí nghiệp, nhà máy Bulgaria đã trích 1-2 ngày lương để ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam; hàng loạt chuyên gia, kỹ sư Bulgaria đã sang Việt Nam để hỗ trợ chúng tôi xây dựng Bệnh viện Việt-Bul tỉnh Thái Bình, Trường Mầm non Việt-Bul tại thủ đô Hà Nội…
Chúng tôi cũng rất đỗi tự hào khi có hơn 3.600 cán bộ khoa học, chuyên gia và hơn 30.000 công nhân lành nghề đã được các bạn Bulgaria giúp đỡ đào tạo trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, sinh hóa, nông nghiệp, chế tạo máy và y – dược…, trong đó có những cựu sinh viên xuất sắc đã trưởng thành từ những giảng đường đại học trên khắp đất nước Bulgaria như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (là sinh viên cũ của Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia) hay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Cá nhân tôi đã được nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam và bạn bè kể về đất nước Bulgaria tươi đẹp với những tình cảm sâu sắc, những kỷ niệm khó quên về thời thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết được sống, học tập và rèn luyện trên đất nước các bạn. Tôi có một ước mơ có một lần được đặt chân đến “xứ sở hoa hồng” để được cảm nhận và trải nghiệm bề dày văn hoá, lịch sử của dân tộc Bulgaria. Và hôm nay, ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi vinh dự thăm chính thức đất nước Bulgaria xinh đẹp và phát biểu ở đây với các bạn.
Diễn đàn hôm nay là cơ hội để chúng ta trao đổi một cách cởi mở và chân thành giữa những người bạn, những người anh em thân thiết lâu năm về những nét nổi bật của tình hình thế giới, khu vực hiện nay và quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước chúng ta.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Nguồn: TTXVN) |
2. Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song thế giới đang đứng trước rất nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, chiến tranh tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn…; cộng hưởng với các vấn đề toàn cầu cấp bách như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, bất bình đẳng xã hội… đang đặt ra những thách thức lớn chưa từng có đối với mỗi quốc gia và toàn thể nhân loại.
Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, song thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí có nguy cơ bước vào suy thoái do tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lương thực, tình trạng nợ công và đặc biệt là lạm phát cao ở nhiều quốc gia.
Hơn bao giờ hết, chúng ta mong muốn các quốc gia đoàn kết, hợp tác và thống nhất, cùng chung tay ứng phó với những thách thức mang tính chất toàn cầu vì một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta kêu gọi các bên nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, xung đột, ngồi vào bàn đàm phán, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, bất đồng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đồng thời, chúng ta cũng cần có những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực đề cao chủ nghĩa đa phương, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Chúng ta cần nỗ lực vượt bậc, nêu cao trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế để tạo dựng hoà bình và hợp tác, coi đó là xu thế chủ đạo, là dòng chảy chính của thời đại chúng ta.
Thế giới chưa bao giờ bước vào thời kỳ thay đổi nhanh chóng sâu sắc và phức tạp như hiện nay, nhưng hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính. Một thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là nguyện vọng và ước mơ cháy bỏng của mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới. Đó là mẫu số chung cho mọi quan hệ hợp tác song phương và đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.
Thử thách là rất lớn, song cũng là động lực để tất cả các nước, các khu vực đổi mới mạnh mẽ và phát triển. Trong dòng chảy của tiến bộ công nghệ mới, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI),… dường như tất cả các nước dù đã phát triển hay đang phát triển, dù là nước lớn hay nước nhỏ hơn thì đều đang có cùng một điểm xuất phát và theo quan điểm của cá nhân tôi, tương lai không còn đơn thuần là đường kéo dài của quá khứ.
Tất cả các nước, nhất là các nước đi sau như Việt Nam hay những nước không có dân số đông như Bulgaria vẫn có cơ hội. Trong tiến trình này, Việt Nam và Bulgaria nói riêng, các nước Đông Nam Á và châu Âu nói chung có vai trò và đóng góp rất quan trọng, to lớn.
Quang cảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chính sách về tình hình quan hệ song phương và hợp tác Việt Nam-Bulgaria. (Nguồn: TTXVN) |
3. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục kiên định chính sách Đổi mới được cập nhật qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay, sau 37 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện và đồng bộ do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với khoảng 95% dân số trong cảnh đói nghèo và bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao đạt mức trung bình 6-7%/năm trong hàng chục năm. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%; lạm phát kiểm soát ở mức 3%; quy mô GDP đạt 409 tỷ USD – đứng trong Top 38 của thế giới, gấp 10 lần so với năm 2000. Việt Nam có quan hệ thương mại với 220 quốc gia và các nền kinh tế với tổng kim ngạch 2022 đạt 732,5 tỷ USD – nằm trong Top 20 thế giới và liên tục nhiều năm đều có mức thặng dư thương mại.
Từ một nước không đủ lương thực, năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu 6.5 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản là 55 tỷ USD. Việt Nam là điểm đến thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), lũy kế đến 2.2023 đã có hơn 36.600 dự án FDI với tổng vốn hơn 442 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia, đối tác.
Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mục tiêu cuối cùng của sự phát triển là chất lượng cuộc sống của người dân, có thể nói, Việt Nam đã đạt kỳ tích trong giảm nghèo, là một điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững SDGs-2030 của Liên hợp quốc. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 14,2% năm 2010 còn 4,8% vào năm 2020, với 10 triệu người đã thoát nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia hình mẫu về giảm nghèo hiệu quả của thế giới.
Về đối ngoại, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, gần đây nhất, 10/9/2023, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với các chính đảng trên thế giới và hiện đã có quan hệ với 247 đảng ở 111 nước, trong đó có 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền và tham chính. Chúng tôi triển khai đồng bộ cả 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước – ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân.
Quốc hội Việt Nam có quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới. Mới đây, từ 14-17.9.2023, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và đã thông qua Tuyên bố Hội nghị đầu tiên sau 9 kỳ Hội nghị với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Chúng tôi chân thành cảm ơn nghị viện các nước thành viên IPU, trong đó có Bulgaria đã ủng hộ nhiệt tình sự kiện quan trọng này. Cũng nhân dịp này, tôi xin thông báo và trân trọng cảm ơn Quốc hội Bulgaria đã tích cực ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và vừa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhân chuyến thăm chính thức lần này của tôi tới Bulgaria.
Trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp, Việt Nam ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và Liên hợp quốc, đặc biệt là ASEAN, AIPA, Liên hợp quốc, APEC, ASEM, Phong trào Không liên kết…, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng các đối tác, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các dân tộc, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
4. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, khu vực Trung Đông Âu đóng một vai trò rất quan trọng, là cửa ngõ, cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trong khu vực, trong đó Bulgaria là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam và Bulgaria đã luôn sát cánh bên nhau trong lịch sử và ngày nay chúng tôi rất vui mừng chứng kiến mối quan hệ hữu nghị truyền thống với bề dày lịch sử hơn 70 năm đã và đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm cấp cao được duy trì, hiệu quả; nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập; kim ngạch thương mại tăng đều hàng năm và năm 2022 đạt hơn 200 triệu USD; những lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục – đào tạo, trao đổi văn hóa, hợp tác lao động tiếp tục đà phát triển tích cực…
Đặc biệt sự gắn kết truyền thống giữa hai dân tộc ngày càng bền vững theo thời gian với những hoạt động hợp tác đầy ý nghĩa như Ngày chữ viết Slavo, Ngày hội hoa hồng ở Việt Nam…, với nhiều tác phẩm về sự gắn bó giữa hai nước như “Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng”, “Việt Nam – Đất nước – Con người”, “Việt Nam – Con Rồng cháu tiên”.
Đặc biệt, nhà báo Kadrinka Kadrinova của Bulgaria đã có nhiều bài viết rất ấn tượng về Việt Nam, trong đó có hai tác phẩm đã nhận được những giải thưởng danh giá của Nhà nước Việt Nam dành cho các tác phẩm nước ngoài. (*)
Cộng đồng người Việt Nam ở Bulgaria, với khoảng hơn 1.000 người đã hội nhập sâu rộng với sở tại và luôn được Nhà nước và Chính phủ Bulgaria hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, góp phần làm cầu nối hữu hiệu, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và gắn bó với nhau giữa hai dân tộc chúng ta.
Các đại biểu dự chương trình. (Nguồn: TTXVN) |
5. Với hành trang là một lịch sử quan hệ hữu nghị, hợp tác chân thành, hiệu quả, hướng tới nâng quan hệ lên tầm cao mới, tôi đề nghị một số hướng hợp tác lớn trong hợp tác song phương như sau:
Thứ nhất là làm sâu sắc quan hệ chính trị – ngoại giao. Đẩy mạnh tin cậy chính trị giữa hai nước, tôi đề nghị: thúc đẩy tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; Tăng cường hiệu quả hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Quốc hội hai nước trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò của Quốc hội và cơ quan dân cử. Bên cạnh hợp tác song phương, các cơ quan lập pháp của hai nước cần đẩy mạnh hợp tác, trao đổi quan điểm, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP)…
Bên cạnh đó, tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan của hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác chuyên ngành trong các lĩnh vực mới hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh. Việt Nam mong muốn Bulgaria với tư cách là nước bạn bè hữu nghị truyền thống là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU. Việt Nam sẵn sàng làm cửa ngõ để Bulgaria tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN.
Thứ hai là mở rộng hợp tác kinh tế – đầu tư – thương mại trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương thời gian tới. Trên tinh thần đó, hai bên cần tích cực triển khai các thỏa thuận, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Bulgaria về hợp tác kinh tế nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá về đầu tư – thương mại, từ đó đóng góp cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.
Tôi tin rằng, với vị thế, vai trò và vị trí địa chính trị chiến lược của mình ở mỗi khu vực, hai nước chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để đưa hàng hóa và sản phẩm cạnh tranh vào thị trường khu vực. Bên cạnh đó, cùng với các Hiệp định thế hệ mới mà hai nước là thành viên như EVFTA, EVIPA… doanh nghiệp hai nước có thể tìm hiểu hợp tác trong các lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh cũng như tận dụng các chính sách ưu đãi để tạo ra các sản phẩm có giá trị và tính cạnh tranh cao.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương có nét đặc thù và tương đồng về kinh tế, xã hội nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác, kết nghĩa trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh để tăng cường thu hút đầu tư, thương mại và phát triển du lịch.
Thứ ba, kết nối hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần nắm bắt những cơ hội to lớn từ các xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo… đang mang đến. Theo đó, phải đẩy nhanh các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở các cấp độ khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy xây dựng hình thái toàn cầu mới công bằng, bền vững hơn đối với tất cả các nước và các nền kinh tế.
Thử thách là rất lớn, song cũng là động lực để tất cả các quốc gia đổi mới mạnh mẽ và phát triển. Bulgaria là nước trong khu vực có lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, tự động hóa, blockchain… Việt Nam cũng đang trên con đường chuyển đổi số mạnh mẽ, thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030. Việt Nam cũng đã xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và sẽ khánh thành vào cuối tháng 10/2023.
Đây được kỳ vọng sẽ là Trung tâm về công nghệ, khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lớn nhất khu vực, tập trung số lượng lớn chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cũng là nơi thường xuyên tổ chức các triển lãm, diễn đàn, hội thảo khoa học chuyên ngành quy mô quốc gia và khu vực. Tôi hy vọng Việt Nam và Bulgaria sẽ có hợp tác cụ thể trong lĩnh vực có nhiều đột phá và mới mẻ này.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực truyền thống. Về giáo dục đào tạo, hai bên tăng cường hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hai nước trong lĩnh vực thế mạnh của Bulgaria và Việt Nam có nhu cầu như: y tế, công nghệ sinh học, nông nghiệp, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Về văn hóa, hai bên tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật như Ngày văn hóa, triển lãm tranh, tuần lễ phim, biểu diễn nghệ thuật… tạo điều kiện để công chúng hai nước hiểu biết hơn về văn hóa hai nước.
Về hợp tác lao động, hai bên thúc đẩy triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác lao động ký năm 2018 với sự điều phối của Chính phủ hai nước. Thời gian qua, đã ký được một số hợp đồng đưa lao động sang Bulgaria làm việc, tuy nhiên số lượng còn rất khiêm tốn.
Được biết Bulgaria có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề về nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Việt Nam có lực lao động trẻ dồi dào, được đào tạo, cần cù, đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới, được đánh giá tốt. Tôi cho rằng đây sẽ là cơ sở để hai bên có thể tạo bước đột phá hợp tác trong lĩnh vực này.
6. Trong hơn 70 năm qua, vượt qua bao thách thức to lớn và những biến động khó lường của lịch sử, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Bulgaria đã đạt nhiều thành quả tự hào, tạo tiền đề, nền móng vững chắc để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tiếp theo.
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn các bạn Bulgaria trên các cương vị khác nhau đã đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển, cùng có lợi giữa hai nước.
Thay cho lời kết và để nói lên tình cảm hai nước, tôi xin nêu những vần thơ sâu sắc và nhân văn của Phó Tổng thống kiêm nữ văn sĩ Blaga Dimitrova viết, xuất bản năm 1969 sau nhiều lần đến thăm Việt Nam giữa khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt:
“Tôi là khách đến thăm nhà
Khi bạn nhà mình gianh tre đang cháy
Bạn đón tiếp tôi
Một tay gạt lệ
Tay nữa nắm chặt tay tôi…”
Hình ảnh đầy xúc động đó mãi mãi lắng đọng trong tim chúng ta như một biểu tượng tuyệt vời của tình đoàn kết anh em gắn bó thủy chung giữa Việt Nam và Bulgaria dẫu thời cuộc đổi thay vẫn vẹn nguyên và tỏa sáng.
(*) Giải Nhì năm 2016 và 2021 về Thông tin đối ngoại dành cho người nước ngoài với tác phẩm “Việt Nam – Con rồng cháu tiên” và “Thần kỳ Việt Nam”.