“Hôm nay là cuộc họp phụ huynh đặc biệt, rất mong quý anh chị hưởng ứng với cô!”.
Sau khi thông tin các vấn đề chung của trường và của lớp, giáo viên chủ nhiệm bất ngờ đưa ra lời đề nghị dễ thương: mời phụ huynh làm hai bài “kiểm tra” do cô giáo chuẩn bị, nhằm thử đánh giá mức độ nắm sát tình hình học tập của con cũng như “lắng nghe” những tâm sự thầm kín.
Ngạc nhiên và hồi hộp
Đầu tiên là trò chơi nhỏ gồm 10 câu hỏi trên phần mềm kahoo.it. Nội dung xoay quanh các môn học ở trường, các môn con vừa làm bài kiểm tra thường xuyên, giờ giấc đến lớp, thời gian học trái buổi, sở trường của con…
Lâu rồi mới được tham gia trò chơi dạng thế này nên ai nấy đều hào hứng ra mặt. Đa phần phụ huynh trả lời được câu hỏi của cô giáo, chứng tỏ cha mẹ vẫn dành thời gian theo khá sát diễn tiến học tập của con.
Kết thúc phần chơi đầu, cô giáo khá chu đáo khi dành ba phần quà nhỏ tặng ba phụ huynh có điểm số cao nhất.
Sang phần thi thứ hai, cô gửi 15 câu hỏi ngắn để phụ huynh trả lời trên giấy. Lần này là những nắm bắt của cha mẹ về tâm tư tình cảm, sở thích học tập, giải trí, mối quan hệ bạn bè, ước mơ của con trong tương lai. Phần này có vẻ khó hơn, đôi khi cha mẹ và con chưa có điểm chung, một phần lý do trong gia đình ít có điều kiện chia sẻ với nhau.
Thực hiện xong, phụ huynh sẽ dò đáp án với chính bảng trả lời mà con mình đã thực hiện trước đó. Nhiều phụ huynh tỏ ra mãn nguyện nếu khớp với câu trả lời của các bạn nhỏ. Vài người hơi đăm chiêu, hoang mang…
Mong nhiều cuộc họp phụ huynh như vậy
Lần đầu tiên, sau nhiều kỳ họp ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi cảm thấy rất ưng ý và vui mừng vì cuộc họp đầu năm mang nhiều “thông điệp” cần thiết, lấy trọng tâm là các con. Điều này khác xa hoàn toàn với không khí của những buổi họp phụ huynh khá căng thẳng thường thấy, xoay quanh câu chuyện tiền bạc, thu món này giảm món kia…
Giáo viên chủ nhiệm khá hay khi bằng cách nào đó trước buổi họp đã vận động thuyết phục một số phụ huynh có kinh nghiệm tham gia ban đại diện. Nên khi vô chương trình, chủ yếu là sự thống nhất của tập thể phụ huynh về các vấn đề chính, tránh đi khoảng im lặng kéo dài hay “nhìn qua nhìn lại”, “nhường qua nhường lại” “chức” ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì đa phần ai cũng ngán ngại điều tiếng và không có thời gian chu toàn.
Cuộc họp nhẹ nhàng, gói gọn tầm hơn 1 tiếng trong sự đồng thuận cao của mọi người. Trước khi ra về, giáo viên chủ nhiệm không quên lưu ý phụ huynh yếu tố tâm lý của trẻ ở lứa tuổi 14-15, những việc cần làm và phối hợp với cô, để hướng các cháu đến việc học tập, tiếp thu kiến thức một cách thoải mái, hiệu quả nhất.
Mong sao có nhiều buổi họp phụ huynh như thế, để góc nhìn về ngành giáo dục được thân thiện hơn, tránh một số “tiếng oan” đầu năm học. Giữa nhà trường và các bậc cha mẹ tìm được tiếng nói chung, vì mục tiêu thấu hiểu, giáo dục con em mình, hơn là chủ đề quen thuộc, “đến hẹn lại lên” xoay quanh tranh cãi chuyện máy lạnh, mức đóng phí hỗ trợ cơ sở vật chất, hoạt động phong trào… như hiện nay.
Tác dụng của bài kiểm tra
Nhờ hai bài kiểm tra, phụ huynh cảm thấy gần hơn với suy nghĩ của các con ở độ tuổi ẩm ương, cảm thông nhiều hơn về “lối nghĩ khác” để tự điều chỉnh cách chia sẻ với con cho phù hợp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bai-kiem-tra-bat-ngo-trong-cuoc-hop-phu-huynh-20240930075838519.htm