Nói đến sách bàn về đạo đức của người làm quan, xưa nay không ai không nhắc tới cuốn “Từ thụ yếu quy” của tác giả Đặng Huy Trứ (1825 – 1874). Tháng 2-2022, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội Sử học Việt Nam đã xuất bản cuốn sách trên với một tựa đề mới: “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan – Từ thụ yếu quy” do 2 dịch giả của nhóm Trà Lĩnh là Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh thực hiện. Những vấn đề đặt ra tuy đã hơn 150 năm, nhưng ngay sau khi xuất bản, cuốn sách nhanh chóng được bạn đọc khắp nơi đón nhận.
Là tác phẩm kinh điển trên mặt trận phòng, chống tham nhũng trong lịch sử dân tộc, “Từ thụ yếu quy” là công trình đồ sộ viết bằng chữ Hán, do Đặng Huy Trứ công bố vào thế kỷ XIX, có nội dung gồm 2 phần chính: “Không thể nhận” (từ) và “Có thể nhận” (thụ). Ở phần “Không thể nhận”, tác giả đúc kết, rút ra từ thực tế 104 kiểu hối lộ quan chức diễn ra trên mọi mặt của đời sống với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, khi thì lấy cớ trả ơn, khi thì dưới danh nghĩa “có chút quà mọn làm quen”. Mỗi kiểu hối lộ đều có dẫn giải, phân tích và nêu dẫn chứng. Ở phần “Có thể nhận”, tác giả nêu 5 trường hợp, phân tích cụ thể vì sao có thể nhận. Thứ nhất là lễ Tết hàng năm đã thành tục lệ, chỉ dùng tới sản phẩm của địa phương; 3 trường hợp tiếp theo là việc tạ ơn khi người ta được giúp đỡ một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp mà thu được món lợi chính đáng, hoặc được tai qua nạn khỏi hoặc được thành tựu trên đường sự nghiệp; trường hợp thứ 5 là quà biếu nhân việc vui buồn. Sau mỗi phần (từ và thụ), tác giả còn kèm theo 2 đề mục “Tổng luận” và “Suy rộng ra” để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan.
Là người học rộng, tài cao (đỗ Tiến sĩ năm 1855), từng giữ nhiều chức quan lớn của triều đình nhà Nguyễn và nổi tiếng thanh liêm, với những kinh nghiệm của mình, Đặng Huy Trứ đã khẳng định trong cuốn sách rằng: “Làm quan là cả một niềm tự hào không chỉ bản thân mà còn của gia đình, dòng họ. Và cũng chính lúc ấy, người làm quan đứng trước một thử thách vô cùng to lớn – thử thách của lương tâm. Vinh và nhục, mất và còn chỉ là một lằn ranh mỏng manh”. Thế nên, ông đã tự dặn lòng và cũng là căn dặn những người làm quan qua mấy câu thơ: “Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó/Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn/Hờn căm, gắn bó tùy ta cả/Duy chữ thanh, thanh đối thế nhân”. Chữ thanh trong quan niệm của Đặng Huy Trứ chính là thanh liêm.
Cuốn sách “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan – Từ thụ yếu quy” đã được thu gọn, chỉ dày hơn 200 trang, nhưng nội dung dựa trên bản dịch cô đúc, thâu tóm phần quan trọng nhất của bộ sách nguyên bản (bản khắc in ở hiệu “Thập giới viên” – Quảng Châu, Trung Quốc, lưu trữ ở từ đường họ Đặng). Những nội dung được đề cập trong cuốn sách đã vượt ra khỏi giới hạn là tổng kết về cuộc đời làm quan của một vị quan thanh liêm có tiếng ở triều Nguyễn, mà còn là những bài học mang giá trị thực tiễn, giúp ta nhận ra những chiêu thức của kẻ hối lộ cũng như nhắc nhở mọi người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Qua cuốn sách, người làm công tác cán bộ ngày nay có thể tìm thấy những kinh nghiệm quý báu cho công việc của mình về cách nhìn người để đề bạt; có được sự nhạy cảm và tỉnh táo cần thiết khi đánh giá đội ngũ cán bộ với những diễn biến phức tạp trong suy nghĩ và hành động của họ…
Không có những chuyện tình, chuyện đời; không tường thuật về những chuyện lạ đó đây…, nhưng “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan – Từ thụ yếu quy” là cuốn sách hấp dẫn, vì nội dung sách có giá trị rất thiết thực, có ý nghĩa thời sự, đặc biệt là khi nạn hối lộ, tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp.
VĂN HOÀNG