Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Đa số các đại biểu nhận định Báo cáo giám sát của Quốc hội đã được thực hiện công phu, bài bản, sát thực.
Trả lời cho câu hỏi Trong tương lai nếu như một lần nữa dịch bệnh xảy ra thì liệu chúng ta có áp dụng những chính sách đã áp dụng hay có tổ chức thực hiện như cách đã tổ chức thời gian qua hay không? Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ sự trân trọng những kết quả đã đạt được từ các chính sách, nhưng cũng bày tỏ những nuối tiếc cho một số điểm chưa trọn vẹn.
Bối cảnh đặc biệt phải cần chính sách đặc biệt. Đồng thời, phải cần các quy trình thực thi đặc biệt. Bởi nếu không, sẽ tiếp tục va vào một rừng vướng mắc khi mà thủ tục còn chưa xong thì giai đoạn cấp bách đã đi qua.
Ông TẠ VĂN HẠ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Trình tự, thủ tục trong bối cảnh đặc biệt, chính sách cũng đặc biệt, phải nhanh, phải kịp thời. Chúng ta không có những giải pháp về thủ tục rút gọn mà chúng ta vẫn cứ an toàn phải theo đúng thủ tục quy định của pháp luật, hướng dẫn phải thế thôi, cho nên phải chậm. Tôi nghĩ trong kinh nghiệm xây dựng các chính sách pháp luật để ứng phó kịp thời trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế thì điều quy trình, thủ tục nên có những hướng dẫn cụ thể và đặc biệt hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chia sẻ do thời gian triển khai các dự án rất ngắn, chương trình lại có phạm vi rộng, trong khi, kinh nghiệm, năng lực cán bộ còn hạn chế nên đã nảy sinh tâm lý sợ sai, né tránh trách nhiệm. Nhiều đại biểu quốc hội cũng trăn trở cho rằng cần phải có giải pháp triệt để để trị dịch bệnh mang tên “né tránh trách nhiệm” thì những chính sách trong hoàn cảnh cấp bách mới có thể phát huy hiệu quả trong thời gian gấp gáp.