Người đàn ông gặp họa vì mua vé online trúng số 35 tỷ đồng
Anh Dương là một người đàn ông đam mê xổ số và chơi có nguyên tắc riêng. Số tiền anh dùng để mua xổ số là con số rất nhỏ trong tổng thu nhập hàng tháng. Tâm lý của anh khi chơi xổ số là nếu thắng được thì tốt, nhưng nếu thua thì sẽ không bao giờ tiếc.
Khi mới bắt đầu chơi xổ số, anh Dương thường tự mình đến đại lý để mua vé số. Theo thời gian, anh Dương trở thành khách quen và làm thân với chủ của đại lý là anh Trần,
Anh Dương thường nhờ anh Trần thực hiện mua vé số thông qua nhắn tin trên ứng dụng WeChat. Sau khi chủ đại lý mua vé số thành công, anh ta sẽ chụp ảnh tờ vé số để xác nhận, rồi anh Dương mới chuyển khoản tiền.
Lúc đầu, sự hợp tác giữa hai người khá vui vẻ. Bất cứ khi nào anh Dương giành được một giải nhỏ, Trần sẽ thay mặt khách đi nhận giải, sau đó trả lại số tiền thưởng qua WeChat.
Tuy nhiên, mối quan hệ của cả hai đã rạn nứt sau một lần anh Dương phát hiện, anh cùng lúc mua trúng 2 tờ vé số trúng giải nhất và giải ba. Tổng giá trị giải thưởng là 10 triệu tệ (35 tỷ đồng). Nhưng số tiền lớn này lại bị vợ chồng ông chủ đại lý bán vé số là anh Trần lấy hết.
Chứng kiến số tiền thưởng lớn “không cánh mà bay”, anh Dương quyết tâm kiện vợ chồng Trần ra tòa. Tại tòa, với tư cách là nguyên đơn, anh Dương cần phải chứng minh anh đã ủy quyền cho Trần mua vé số, nếu không anh sẽ bị thua kiện.
Lúc này, anh Dương đã lấy ra bản ghi cuộc trò chuyện trên WeChat và lịch sử chuyển khoản, nhằm chứng minh rằng anh ta thường xuyên nhờ Trần mua vé số giúp mình.
Được biết, sau khi anh Dương gọi cảnh sát thì kết quả điều tra cho thấy người nhận được tiền thưởng là cô Hoàng, vợ của anh Trần.
Tuy nhiên, anh Dương không thể cung cấp hình ảnh và tin nhắn xác nhận từ phía anh Trần về việc mua vé số trúng thưởng. Bởi lẽ anh Trần đã cài đặt chế độ tự động xóa hình ảnh và tin nhắn trên WeChat.
Trước những lời cáo buộc của anh Dương, anh Trần chỉ đáp lại : “Tôi không sai”. Lý lẽ phản bác của anh Trần là do anh Dương không thể đưa ra bằng chứng chứng minh bản thân được nhận ủy thác liên quan đến việc mua vé số. Sau cùng, anh Dương đã thua sơ thẩm, chẳng những anh ta không đòi được tiền mà còn chịu phí thụ lý vụ án.
Bài học ai cũng cần ghi nhớ
Vậy từ góc độ pháp lý, có thể nhìn nhận trường hợp tranh chấp giữa anh Dương và anh Trần như thế nào?
Theo điều 919 của Bộ luật dân sự quy định hợp đồng ủy thác là hợp đồng thoả thuận về việc bên được ủy thác sẽ giải quyết công việc của bên ủy thác.
Điều này có nghĩa nếu là anh Dương có thể chứng minh anh ta đã ủy thác cho Trần mua vé số thông qua WeChat thì chủ sở hữu hợp pháp của tờ vé số trúng thưởng là anh Dương.
Tuy nhiên, tình tiết thực tế trong vụ án này là Dương không chứng minh được Trần đã nhận được ủy thác mua vé số cho anh ta, nên cuối cùng anh ta chỉ đành chịu mất trắng. Nói cách khác, anh Dương thua kiện vì anh không lưu lại được tin nhắn chứng minh cả hai đã có mối quan hệ ủy thác.
Vụ việc mất tiền đáng tiếc của anh Dương là bài học cho mọi người không nên nhờ người khác mua vé số, để tránh những rắc rối không đáng có. Kể cả khi người được ủy thác là bên thân thiết với bạn thì cũng có thể dẫn đến trường hợp bạn bị lừa đảo hoặc quỵt tiền.
Việc giao dịch mua bán trên mạng, không chỉ riêng mua vé số, đều tồn tại nhiều rủi ro mà đến pháp lý cũng khó phân xử đúng sai nếu bạn không lưu giữ được bằng chứng. Thực tế, anh Dương không phải trường hợp duy nhất trúng giải thưởng nhưng không nhận được đồng nào vì có tranh chấp với người bán vé số. Khi đó, việc kiện tụng không chỉ làm tốn thời gian và công sức, mà còn khiến bạn chưa chắc đòi lại được số tiền bị đánh mất.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-gap-hoa-vi-mua-ve-online-trung-so-35-ty-dong-bai-hoc-ai-cung-can-ghi-nho-172241017081156054.htm