Nguy cơ tái nghèo còn cao
Những năm qua, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo đã và đang tạo chuyển biến rõ nét về diện mạo hạ tầng cũng như đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.
Đơn cử ở huyện miền núi Minh Hóa, dù đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo, phát huy dân chủ và tính chủ động của người dân, song tỷ lệ nghèo đa chiều vẫn còn cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng cao so với kế hoạch đề ra… Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bắc Việt cho biết: Điều kiện địa lý khó khăn ảnh hưởng đến việc bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp; việc thay đổi tư duy của phần đông đồng bào dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị…
Tương tự với Tuyên Hóa, theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 – 2025, huyện có 2.192 hộ nghèo (chiếm 8,78%); 1.591 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%)… Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Vũ Thường cho biết: Số hộ nghèo, cận nghèo đa số là hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ người già cả, neo đơn nên địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình giảm nghèo; một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo…
Tại huyện Lệ Thủy, số liệu rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 cho thấy, toàn huyện có 2.922 hộ nghèo (chiếm 6,98%); 1.909 hộ cận nghèo (chiếm 4,56%). Một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, như: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy…
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Bình thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống… Phấn đấu cơ bản thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; giai đoạn 2022 – 2025, hơn 80% số đơn vị cấp huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Thực tế, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáp ranh biên giới; khu vực thành thị có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thấp hơn; hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động (bảo trợ xã hội) cũng chiếm tỷ lệ cao…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, khoảng cách chênh lệch này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; tâm lý ỷ lại, trông chờ, chưa nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo của người dân cũng là rào cản ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo của địa phương.
Đổi mới cách tiếp cận
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn hoặc bằng bình quân chung của các tỉnh Bắc Trung Bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân mỗi năm từ 1% trở lên (giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện mới thoát nghèo, xã vùng đồng bào DTTS từ 4% trở lên), UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, như: đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương.
Đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trong đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo; phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; khơi dậy ý chí, nội lực của chính hộ nghèo để giảm nghèo bền vững… Đặc biệt, cần đánh giá đúng thực trạng đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với công tác giảm nghèo bền vững, chú trọng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Tỉnh cũng sẽ huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sinh kế, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng… Đồng thời, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; xây dựng và phát triển đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; tăng cường vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong việc vận động nguồn lực, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án về giảm nghèo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giảm nghèo…
Có thể thấy, trong công tác giảm nghèo, tỉnh Quảng Bình đã định hướng rất rõ: đối với hộ nghèo có khả năng thoát nghèo thì quan trọng nhất là giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”!