“Năm 2024, Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 10%. Để có thể đạt được mục tiêu này, đơn vị sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, đồng thời là sứ mệnh của Agribank đó là nông nghiệp, nông thôn và nông dân; trong đó, tập trung vào các mảng có tăng trưởng cao như xuất khẩu nông, lâm, thủy sản…” – Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Coi tín dụng là sản phẩm dịch vụ đặc biệt
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Bình cho biết, dù nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu tốt, tuy nhiên, trên thực tế khách hàng, doanh nghiệp, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng.
Năm 2024, Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu là 10%; khá sát với chủ trương được NHNN giao – với mức tối đa là 12,5%. Tuy nhiên, với quy mô tín dụng của Agribank hiện nay, dư nợ cho vay nền kinh tế gần 1,6 triệu tỷ đồng thì mức tăng trưởng đặt ra hay được giao đều rất lớn. Do đó, ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, việc coi tín dụng là một sản phẩm dịch vụ đặc biệt để phục vụ khách hàng, chứ không đơn thuần là một nghiệp vụ cho vay thông thường là một thay đổi lớn trong tư duy điều hành của lãnh đạo Hội sở và các chi nhánh.
Agribank chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích với nhiều kênh phân phối đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Agribank luôn dẫn đầu về số tiền hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế, với việc dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng, phục vụ phát triển hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn; đóng góp nhất định vào thành công của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủy hải sản cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Agribank. Ảnh: Agribank
Agribank đã linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn (xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ). Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; trong đó, chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 – 3% so với lãi suất thông thường, để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Chính nhờ vậy, đến hết 30.6, tăng trưởng tín dụng của Agribank đã đạt được hơn 40.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 50% dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Hướng dòng vốn vào 3 động lực, 5 ưu tiên
Do hoạt động trong lĩnh vực có tính chất mùa vụ, vì vậy, việc tăng trưởng tín dụng thường tập trung vào 6 tháng cuối năm; do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 10% sẽ không khó.
Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, để đạt được mục tiêu này, Agribank sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó tập trung vào các mảng có tăng trưởng cao như xuất khẩu nông, lâm, thủy sản… Bên cạnh đó, ngoài những chương trình tín dụng ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ và NHNN như gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ hay chương trình 30.000 tỷ cho vay lâm, thủy sản, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi đối với tất cả các thành phần kinh tế, từ các tập đoàn, tổng công ty, khách hàng lớn, các lĩnh vực ưu tiên.
Cùng với đó, đơn vị hướng dòng vốn vào 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong năm, Agribank triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 2,4%/năm; khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 1,5%/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án thuộc 6 ngành trọng điểm và lĩnh vực xanh quy mô 15.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6% cố định trong năm đầu; khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường; chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,0%/năm và phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất chỉ từ 4,0%/năm.
Từ nay đến cuối năm, trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, ngoài việc thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút các khách hàng có phương án/dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả; kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao… Agribank còn triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới (9 chương trình đối với khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp); tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng; thực hiện 04 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5 – 1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
“Chúng tôi đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều khách hàng đã phát triển kinh tế nhanh và bền vững, làm giàu cho quê hương, đất nước” – bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Đức Kiên
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/bai-cuoi-bam-sat-muc-tieu-ve-dich-dung-hen-i382145/