(NADS) – Bài chòi, một hình thức nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của miền Trung Việt Nam, đặc biệt là Quảng Ngãi, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mang trong mình những giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử và tinh thần.
Tại vùng đất đầy nắng và gió Quảng Ngãi, bài Chòi từ lâu đã là một loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian mang đến nguồn cảm hứng vô tận cho người dân. Điểm thu hút đặc biệt của bài Chòi thông qua những làn điệu dân ca có bản sắc, các điệu lý, điệu hò (hò chèo thuyền, hò giã gạo, lý con sáo, lý ngựa ô, …), tái hiện chân thực từ đời sống, sinh hoạt con người nơi đây một cách mộc mạc, thân thuộc đến với quần chúng nhân dân.
Bài chòi được trình diễn ra trên những căn chòi nhỏ được dựng lên trong không gian rộng lớn. Trên sân khấu đó, nhưng người hô hiệu trình diễn các tình huống, câu chuyện với những câu thai hài hước, lôi cuốn nhưng mang tính gây cười có duyên. Điều đặc biệt là cách người hô tương tác với khán giả, thông qua việc đặt câu đố hoặc thách đố, tạo không khí hào hứng, tương tác sôi nổi.
Sân khấu được dựng 9 đến 11 chiếc chòi. Mỗi ván bài ít nhất có 2 người hô hiệu, 1 nam, 1 nữ, có thể kết hợp nhiều người hô tùy theo độ dài của ván bài. Những người hô câu thai, người có năng khiếu và ứng biến tình huống trong quá trình trình diễn chơi bài. Người chạy cờ sẽ phát những chiếc thẻ bài cho những người chơi.
Mỗi thẻ bài có 3 con cờ nhỏ, giữa sân có 1 ống thẻ, trong đó có 30 con cờ cùng tên với những con cờ phát cho người chơi. Anh (chị) hiệu hô những câu thai có tên con cờ như trên thẻ, còn người chơi gõ vào chiếc mỏ những âm thanh vui nhộn. Người chơi khi được hô trúng tên trên thẻ bài sẽ được cắm 1 lá cờ đuôi nheo vào ống và cứ tiếp tục đến con cờ thứ 2, thứ 3. Khi người chơi trúng hết cả 3 con cờ có trên thẻ sẽ được mời lên sân khấu nhận thưởng.
Bà Phạm Thị Lượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Bài Chòi huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi chia sẻ:
“Đi đâu cũng nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
Đi đâu cũng nhớ quê hương,
Nơi chôn rau cắt rún có người thương đợi chờ.”
“Đây câu thai của con cờ tên rún. Tùy theo tên con cờ mà có thể sáng tạo ra những câu thai phù hợp nội dung tên con cờ đó.”
Sân chơi này thu hút hàng chục, trăm người tham gia và khán giả. Với sự kết hợp hài hòa giữa trò chơi bài, diễn xuất kịch nghệ, âm nhạc truyền thống, và những câu chuyện dân gian, bài chòi tạo nên một sân chơi vui nhộn cho người tham gia.
Theo bà Lượng, tuy CLB Bài Chòi huyện Mộ Đức đã nỗ lực để bảo tồn và phát triển bài chòi, song vẫn còn những thách thức đối với sự duy trì của nghệ thuật này. Mặc dù trong CLB còn một số người nòng cốt luôn sẵn sàng dìu dắt và truyền đạt lại cho những lứa sau về kiến thức liên quan đến bài chòi. Nhưng giới trẻ bây giờ đa phần thích hát các thể loại nhạc tân nên việc tìm ra những bạn trẻ đam mê hát bài chòi rất ít, khó có lớp kế thừa và gìn giữ bộ môn nghệ thuật này trong thời đại phát triển ngày nay.
Với vai trò là chủ nhiệm CLB, bà Lượng mong muốn rằng địa phương nên quan tâm nhiều hơn nữa, hãy đưa bài chòi vào học đường cho các bạn trẻ tiếp cận gần hơn để quý trọng những gì cha ông ta gìn giữ và lưu truyền để các bạn kế thừa. Bài chòi không bị mai một mà ngày càng được lan tỏa và phát triển hơn.
Việc tìm kiếm nguồn lực, sự quan tâm từ người dân cùng chính quyền địa phương là cần thiết để giữ gìn và phát triển bài chòi Quảng Ngãi trong thời đại hiện đại. Để bài chòi tiếp tục phát triển, việc kết hợp giữa việc bảo tồn truyền thống, tạo không gian mới cho sự sáng tạo là cần thiết. Sự hỗ trợ từ các tổ chức văn hóa, sự quan tâm của người dân sẽ giúp bài chòi tiếp tục là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ sau.
Bài chòi Quảng Ngãi không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là biểu tượng sâu sắc về văn hóa dân gian của người dân Trung Bộ. Sức hút và giá trị lịch sử, văn hóa đã và đang góp phần làm nên bản sắc đặc biệt của vùng đất này, cần được bảo tồn và phát triển hơn.