Từ mảnh đất ngàn năm văn hiến, phong trào “Ba sẵn sàng” đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, vẻ vang của dân tộc.
Khát vọng cháy bỏng
Năm 1964, khi tuổi trẻ cùng nhân dân miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, đế quốc Mỹ đem quân đánh phá miền Bắc nước ta.
Nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc lúc này nặng nề và khó khăn hơn bất cứ lúc nào: Một mặt, phải trực tiếp đối đầu với bom đạn của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc; mặt khác, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa bảo đảm chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong hoàn cảnh đó, lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường dân tộc của tuổi trẻ dâng cao. Tham gia đánh Mỹ, cứu nước trở thành nguyện vọng thiết tha, khát vọng cháy bỏng của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ.
Đêm 7-8-1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp đột xuất và thống nhất phát động phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Tối 9-8-1964, phong trào chính thức được phát động tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố. Khoảng 500 đoàn viên và hơn 20.000 thanh niên đã tập trung ngoài phố, giương cao khẩu hiệu "Ba sẵn sàng".
Ông Nguyễn Cao Vãng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, khi đó là thanh niên của xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), cùng hòa vào dòng người náo nức, hăng hái xuống đường biểu tình chống Mỹ. “Khi Thành đoàn Hà Nội đọc loa kêu gọi tinh thần “Ba sẵn sàng”, hàng vạn thanh niên đã hô vang “Sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng”. Khí thế vô cùng sôi sục. Chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một việc: Xung phong ra trận, đánh đuổi giặc Mỹ, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, ông Nguyễn Cao Vãng nhớ lại.
Chỉ một tuần sau đó, đã có 240.000 thanh niên ghi tên tham gia phong trào, trong đó 80.000 thanh niên xung phong ra trận.
Tự hào là những thanh niên Hà Nội đầu tiên lên đường theo tiếng gọi phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Hàn Tiến Nhâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội kể: “Ngay sau khi phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động, Hà Nội thông báo tuyển thanh niên tình nguyện mở đường 13C. Đây là con đường giao thông chiến lược Yên Bái - Lào Cai, phục vụ cho cuộc chống Mỹ cứu nước. Lúc đó, tôi vừa học xong lớp 10 (hệ 10 năm), cũng quyết định gác bút nghiên lên đường”.
Viết nên khúc tráng ca hào hùng
Phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động đúng lúc, đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, không chỉ đến với tất cả đối tượng thanh niên trên cả nước, mà còn nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới, với việc nhiều du học sinh viết đơn xin về nước chiến đấu nếu Tổ quốc cần. Lúc này, nhiệm vụ trung tâm của cả nước là tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, vì vậy “Ba sẵn sàng” bao gồm cả nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống...
Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71, quyết định thành lập Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Đến ngày 11-7-1965, Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô Hà Nội do Thành đoàn Hà Nội thành lập cũng ra đời. Đó là Đội Thanh niên xung phong N43.
Bà Dương Thị Vịn, Trưởng ban Liên lạc Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô Hà Nội cho biết: Đội Thanh niên xung phong N43 gồm 1.500 thanh niên, được biên chế trong 7 đại đội, từ 811 đến 817. Hầu hết đội viên đều rất trẻ, bình quân tuổi đời 18-20, gồm các thành phần, tầng lớp công nhân, nông dân, tri thức, học sinh, thủ công nghiệp, Việt kiều, Hoa kiều,…
"Có em mới 15-16 tuổi, vừa rời tấm khăn quàng đỏ, như các em Nhữ Hồng Long, Nguyễn Duy Tiến, Đặng Thị Phượng, Tô Hà… Có người khai tăng tuổi, có người mặc thêm quần áo cho đủ cân. Nhiều lá đơn được viết bằng máu để mong sớm được gọi đi. Có người vừa tốt nghiệp đã từ chối không đi học đại học, đi học nước ngoài, như: Bùi Hồng Châu, Hoàng Lộc, Ngô Văn Phồn, Lê Trọng Lân… Hay như bà Hoàng Kim Vinh, ở 39 phố Hàng Chiếu, chồng đi chiến đấu xa, đã gửi con nhỏ mới hơn 2 tuổi cho mẹ già để lên đường. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tín, bà Nguyễn Thị Tỵ, nhà ở phố Mã Mây, mới cưới nhau được ít ngày, đã xin nhập ngũ. Hai chị em gái bà Nguyễn Thị Minh Hải, Nguyễn Thị Minh Hoạt, nhà ở phố Bạch Mai; hai anh em trai ông Nghiêm Xuân Thế, Nghiêm Xuân Hòa, nhà ở phố Hòa Mã, Việt kiều mới về nước; nhà sư Đàm Dần ở chùa Nam Dư (Thanh Trì)... đều xung phong ra trận", bà Dương Thị Vịn nhớ lại.
Với khí thế sôi sục của phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng ngàn chàng trai cô gái của Thủ đô Hà Nội đã lên đường tiếp bước cha anh vào tuyến lửa Khu 4. Họ đã có mặt ở hầu hết các tuyến đường, trọng điểm gian khổ, ác liệt, nguy hiểm của 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, như: Bến phà Long Đại, Khe Ve, Khe Tang, Đường 7, Đường 20 Quyết thắng…, với nhiệm vụ chủ yếu là mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt.
Sống giữa đại ngàn Trường Sơn với bom đạn cày xới cùng đời sống gian khổ, thiếu thốn nhưng thanh niên xung phong Hà Nội vẫn không hề nao núng, luôn quyết tâm “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Hàng loạt chiến dịch, phong trào thi đua, cùng những sáng kiến cải tiến công cụ, nổ mìn phá đá, làm cầu, xếp kè, phá bom nổ chậm... của các đoàn viên, thanh niên được mở ra sôi nổi trên khắp các đơn vị.
Ông Đỗ Quốc Phong, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội cho biết: Lực lượng thanh niên xung phong Hà Nội đã có mặt trên tất cả các tuyến lửa với tinh thần “Ba sẵn sàng” và lập công xuất sắc. Có hơn 400 liệt sĩ, hơn 2.200 thương binh và hàng ngàn đội viên thanh niên xung phong Thủ đô nhiễm chất độc da cam… Nhiều phần thưởng cao quý và danh hiệu mà Đảng, Nhà nước đã tặng cho các tập thể, cá nhân trên các chiến trường chống Mỹ cứu nước đã chứng minh thành tích đặc biệt của lực lượng thanh niên xung phong Thủ đô thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Từ ngọn lửa nhiệt huyết của phong trào "Ba sẵn sàng", một thế hệ thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc đã hình thành và đi vào lịch sử. Họ đã sát cánh, chiến đấu quên mình cùng với lớp thanh niên "Năm xung phong" từ các vùng nông thôn, thành thị để góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với hơn 5 triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia, trong đó gần 1,5 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, đang yên nghỉ tại 265 nghĩa trang dọc chiều dài đất nước và hàng vạn thanh niên đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường khốc liệt, có thể khẳng định, phong trào “Ba sẵn sàng” từ khi ra đời đã trở thành động lực, phát huy lòng yêu nước của tuổi trẻ, tạo điều kiện, môi trường để mỗi thanh niên sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc.
Phong trào còn góp phần làm nên lịch sử của cả dân tộc và như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam nói chung, tuổi trẻ Thủ đô nói riêng, với những cái tên: Liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, được ví như La Văn Cầu trong kháng chiến chống Mỹ; liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người bác sĩ, chiến sĩ trẻ nhiệt huyết, xông pha nơi chiến trường khói lửa; Anh hùng Trịnh Tố Tâm, 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”... cùng nhiều tấm gương khác, đã trở thành những hình mẫu tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên anh hùng, được nuôi dưỡng bởi một dân tộc anh hùng.
Hơn 60 năm đã trôi qua, song tinh thần “Ba sẵn sàng” vẫn mãi trường tồn, góp phần cổ vũ và khích lệ, giúp cho lớp lớp thanh niên hôm nay sống có lý tưởng, khát vọng, xứng đáng là thế hệ tiếp nối cha anh gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
(Còn nữa)
Nguồn: https://hanoimoi.vn/thu-do-ha-noi-hau-phuong-lon-tron-nghia-ven-tinh-bai-4-ba-san-sang-khoi-day-hao-khi-thang-long-699748.html
Bình luận (0)