Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế như vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc. Hiện tại Bộ Công Thương đang triển khai 9 chương trình, đề án để kết nối hàng hóa vào kênh phân phối như hàng hóa của bà con dân tộc, hàng Việt Nam, hàng OCOP, hàng hóa biên giới hải đảo, hàng hóa trong chương trình đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, hàng hóa an toàn thực phẩm… vào hệ thống phân phối.
Đặc biệt, cần cân đối giữa phát triển thương mại hiện đại và truyền thống. Hiện Bộ Công Thương đã có Nghị định trình Chính phủ về thu hút nguồn lực đầu tư trong nước để cải tạo chợ truyền thống để làm sao người dân có được kế sinh nhai, tiêu thụ hàng hóa địa phương, bảo tồn văn hóa tại chợ truyền thống…
Về giải pháp trước mắt, năm nay, Bộ Công Thương có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng, sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các chương trình chuyển đổi số quốc gia, khuyến mại quốc gia, bình ổn thị trường… để đưa hàng hóa về các thị trường tiêu thụ. Hiện đã có gần 50 tỉnh thành có chương trình bình ổn thị trường và đến tháng 10 sẽ tăng thu mua để phục vụ Tết. Đây là giai đoạn bùng nổ của thị trường nội địa.
Phải khẳng định, thị trường nội địa vẫn sẽ là thành tố quan trọng trong “cỗ xe tam mã” kéo tăng trưởng kinh tế đất nước. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045 – bản chiến lược gần nhất và có các mục tiêu rõ ràng nhất nêu rõ, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 12,0 – 12,5%/năm. Do đó, thị trường trong nước đang rất rộng mở với hàng hóa chất lượng, hàng hoá Tinh hoa hàng Việt Nam.