Những “hạt giống đỏ” của bản làng
Khu vực biên giới xã Thượng Trạch có vị trí và vai trò quan trọng đối với an ninh – quốc phòng, với việc đóng quân của 2 đồn biên phòng, bảo vệ đường biên và 4 mốc quốc giới. Do đó, Đảng ủy xã Thượng Trạch luôn xác định công tác xây dựng Đảng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại các bản, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ an ninh – quốc phòng cũng như phát triển kinh tế – xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Những “hạt giống đỏ” vùng cao biên giới vì vậy được quan tâm bồi dưỡng, từng bước nhận trọng trách đi đầu của một Đảng viên. Trong đó có Đinh Thát (SN 2003), một trong những Đảng viên trẻ tiêu biểu, là con em của bản làng vùng cao. Về xuôi học tập từ cấp THPT, rồi học cao hơn, sau đó, Thát quyết định trở về với quê hương bản làng cùng mong muốn “góp sức cho bản nghèo ấm no, tận tâm để con em đến trường”.
Công tác tại Ủy ban Mặt trận xã, Đinh Thát đi từng bản, gõ từng nhà để tuyên truyền người dân về phát triển kinh tế, nêu cao tư tưởng, giữ gìn nếp sống văn minh và kêu gọi con em đến trường, học lấy con chữ. Là người con của bản làng, người Đảng viên trẻ, cán bộ trẻ, Đinh Thát ý thức vai trò “cầu nối” giữa Đảng với dân, để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của người dân. “Em phải cố gắng nói sao cho bà con hiểu, bà con làm theo và cho con em đến trường đi học đầy đủ để có con chữ. Bà con ở nhà thì làm ăn kinh tế theo Đảng. Nếu có tâm tư gì, em sẽ là người lắng nghe, nói cho bà con hiểu và chuyển tải tâm tư về với các cấp, các đơn vị.”, Đinh Thát cho biết.
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, vì tuổi còn trẻ, chàng trai Đinh Thát không khỏi lo sợ mọi người chê cười, không nghe. Nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, lại là con em của bản làng, dần dà, người dân cũng tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.
“Có nhiều bản ở xa như bản Nôồng không có sóng điện thoại lại xa trung tâm, em phải đi đường đất, rồi chuyển qua đi bộ để đến với bà con. Trời mưa thì đường khó đi hơn, mà ở rừng nên mưa rừng cũng thất thường lắm. Nhưng đến với bản rồi thì bà con vui lắm, em mang những câu chuyện phát triển kinh tế, học văn hóa để mọi người thêm phấn khởi mà xây nhà, xây quê hương.”, Đinh Thát cho biết.
Cùng với Đinh Thát, thế hệ trẻ của bản làng biên giới ngày nay đều khấp khởi vui mừng và xem quá trình tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng là Đảng viên gương mẫu.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Lê Xuân Hóa, rất nhiều quần chúng mong muốn tham gia vào hàng ngũ của Đảng. Cùng với việc rèn luyện thêm trình độ, chuyên môn, công tác tạo nguồn ở vùng biên giới có nhiều dấu hiệu tích cực.
Tính đến nay, Đảng bộ xã có 25 chi bộ, 286 đảng viên. Trong đó có 18 chi bộ bản, người đồng bào dân tộc chiếm 51,8%. Vai trò và vị trí của các Đảng viên trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, đã tạo nên phong trào, hướng đến mục tiêu xây dựng bản làng ấm no ngày một được khẳng định.
Đổi thay từ Nghị quyết
Cùng với “hạt giống đỏ” Đinh Thát, thế hệ trẻ của bản làng có Đinh Xức, Đinh Vộ,… cùng nhiều thanh niên khác là hàng ngũ vững chắc của vùng cao biên giới, thấm nhuần tư tưởng phát triển kinh tế để cùng nhân dân đồng bào xóa đói giảm nghèo.
Đồng hành với tinh thần đó, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, cuộc sống người dân đã có nhiều đổi thay trong cả tư duy lẫn hành động.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và HĐND các cấp, HĐND xã Thượng Trạch đã ban hành các Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống, nhằm cải thiện các công trình thiết yếu, cơ sở hạ tầng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuyên suốt nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, từ hỗ trợ đồng hành của Nghị quyết cho các địa bàn đặc thù, nhiều dự án và chương trình phát triển kinh tế được các cấp, các đơn vị trên địa bàn định hướng, giúp người dân thực hiện và tạo thành thành quả cũng như thương hiệu của một vùng. Trong đó, các sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định vị trí và chất lượng trên thị trường.
Từ tháng 1.2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 – Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025. Cụ thể, Nghị quyết cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình chi tiết đến dự án thành phần. Nhờ vậy, HĐND cấp huyện sẽ linh hoạt hơn trong điều chỉnh để giải ngân các nguồn vốn từ Chương trình 1719.
Quốc hội cũng cho phép UBND cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024. Do đó, các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, không đủ điều kiện giải ngân kinh phí theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp sẽ được điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước cho các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu cho biết, việc phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, rút gọn thời gian, thủ tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, là cơ quan dân cử cấp cơ sở ở địa bàn có điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn, công tác được triển khai đầy đủ và sâu sát. Theo Chủ tịch HĐND xã Y Quyết, bên cạnh việc phổ biến các chương trình, kế hoạch, quyết định các chính sách quan trọng của địa phương, xã bám sát chức năng, nhiệm vụ trong tổ chức hoạt động; chỉ đạo tốt công tác tiếp xúc cử tri đi đạt 100%; thực hiện kỳ họp HĐND đúng luật, chất lượng kỳ họp được nâng lên.
Các hội nghị tiếp xúc có đông đảo cử tri tham gia, chủ động đề xuất ý kiến liên quan đến phát triển kinh tế, sửa chữa đường sá, công trình công cộng… Hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức linh hoạt, phù hợp điều kiện của người dân tại 18 bản phân bố rải rác giữa rừng già của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Với sự nỗ lực của chính người dân, cùng hệ thống chính trị, sự soi đường và đồng hành của Đảng, Nghị quyết, bản làng vùng cao Quảng Bình, nơi vẫn đang mong chờ điện lưới về với từng nhà, đang thay đổi từng ngày để hướng đến bức tranh phát triển kinh tế ấm no, mỗi nhà một nghề, đan sắc cho bản làng.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bai-3-dang-dan-duong-nghi-quyet-tiep-suc-vung-bien-i382452/