( tiếp theo và hết)
Cà phê Mơ Phố – Địa chỉ cho những hoàn cảnh khó khăn
Để tìm một không gian cà phê yêu thích ở Hà Nội là không khó. Những cà phê Cộng, cà phê Reng Reng… đã không còn xa lạ đối với không chỉ người Hà Nội mà còn cả những du khách đến với Thủ đô. Nhưng ở Hà Nội còn có một quán cà phê rất đặc biệt khác, không phải bởi cà phê ở đây ngon hơn những nơi khác, mà ở chỗ đây là một địa chỉ nhân văn, “đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn”.
Hôm nay là thứ Bảy. Như thường lệ, quán cà phê Mơ Phố lại được sắp xếp thành một trạm xá mini. Từ 8 giờ đến 11 giờ 30 sáng thứ Bảy hằng tuần, các bác sĩ, điều dưỡng từ nhiều bệnh viện khác nhau cùng các tình nguyện viên tập trung tại quán cà phê Mơ Phố, tổ chức khám bệnh nhân đạo, cấp thuốc không phí cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Nội dung nằm trong Chương trình Mơ Phố Health (Chương trình Tư vấn sức khỏe miễn phí) đã được Hội Bác sĩ tình nguyện (BSTN) triển khai từ rất sớm, nhưng gần đây mới đi vào hoạt động định kỳ, phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ địa phương. Để tổ chức những buổi tư vấn sức khỏe, phát thuốc không phí như thế này được thường xuyên, Mơ Phố đã lập kế hoạch thực hiện tỉ mỉ và triển khai kế hoạch bằng lòng nhân ái của các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên.
Cô Khang Thị Nguyệt, quê ở Xuân Trường, Nam Định hiện đang ở trọ tại Hà Nội. Do gia đình còn khó khăn nên cô vừa trông cháu cho các con đi làm vừa tranh thủ đi nhặt phế liệu, đồng nát. Cô nói: “Một hôm cô đang đi đường thì có một anh phát cho cô cái thẻ đi khám miễn phí ở Mơ Phố. Hôm nay cô đến nhờ các bác, các anh giúp đỡ. Các bác sĩ đã siêu âm, phát hiện nhân tuyến giáp trước đây của cô đã tăng lên 8mm. Cô cũng bị gan nhiễm mỡ, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, ngày đi ngoài nhiều lần. Các bác sĩ ở đây cũng phát hiện lượng đường trong máu của cô hơi cao, chưa đến mức tiểu đường nhưng cô được tư vấn nên đến bệnh viện khám để có hướng điều trị. Các bác sĩ cấp cho cô thuốc điều trị đại tràng và một số loại thuốc thông thường khác”.
Miễn phí cũng khó khăn
Để mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, biết đến Mơ Phố Health và tới khám bệnh là một công việc không dễ dàng. Đó là bởi, dẫu Chương trình Mơ Phố Health đã được nhiều người biết đến trên mạng xã hội Facebook, nhưng lao động có hoàn cảnh khó khăn thì ít khi có điều kiện dùng mạng xã hội. Các tình nguyện viên của Hội BSTN phải trực tiếp tìm tới những đối tượng phù hợp với điều kiện của chương trình để phát thẻ. Vào các buổi tối trong tuần, các bạn tình nguyện viên mang khoảng 50 đến 60 thẻ khám bệnh không phí, chia nhau đi các hướng. Khi phát xong thì cũng khoảng gần 10 giờ tối. Các bạn tình nguyện viên đi hết các cung đường, bước đầu là ở quận Đống Đa, tìm gặp những người lao công, mua bán đồng nát, những người lao động, bán hàng đêm và người già có hoàn cảnh khó khăn để phát thẻ. Những đối tượng lao động buổi đêm thường là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bạn Kim Anh, Phụ trách Nhóm điều dưỡng – Hội BSTN, cho biết: “Có lần tụi em gặp hai bác cao tuổi bán giày, dép cũ. Bác gái bị khiếm thính còn bác trai thì bị câm. Khi tụi em phát thẻ thì bác trai muốn lấy, nhưng bác gái lại ngăn. Nói chung là cũng gặp nhiều trường hợp khó khăn”.
Khó khăn là ở chỗ nhiều người còn chưa tin rằng có hoạt động nhân đạo như Mơ Phố Health nên số lượng thẻ phát ra nhiều mà đôi lúc không thu lại được bao nhiêu. Thẻ khám bệnh miễn phí có thể sử dụng bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người chưa đủ tin nên dù đã nhận thẻ nhưng còn lần lữa chưa đến. Theo các bạn tình nguyện viên, nhiều khi đi phát thẻ các bạn cũng gặp nhiều ánh mắt nghi ngờ, không hợp tác, mặc dù mình rất có thiện chí. Tuy vậy, khi nhận ra nét nhân văn trong chương trình, nhiều người đã tự đi giới thiệu cho những người có hoàn cảnh giống mình.
Bạn Kim Anh kể: “Có một bác tụi em gặp ở Thái Thịnh. Bác ấy đi lại khó khăn, đẩy một chiếc xe lăn nhỏ đi nhặt vỏ chai nhựa ở các thùng rác. Em đưa bác một chiếc thẻ. Tuần sau đó, bác ấy tới khám. Khi khám và nhận thuốc xong, bác ấy có bảo em là ‘cứ như cổ tích ấy cháu ạ’. Thực ra, do trước đây bác ấy còn chưa tin có những hoạt động ý nghĩa như thế này mà thôi”. Còn cô Khang Thị Nguyệt quê ở Xuân Trường, Nam Định hiện đang ở trọ tại Hà Nội, khi được hỏi mình nghĩ gì về Mơ Phố Health, đã nói: “Lần sau cô sẽ tiếp tục đến đây và sẽ giới thiệu cho những người khác có hoàn cảnh giống cô”.
Góp phần nâng cao ý thức tự chăm sóc sức khỏe cá nhân
Khi đã có được lòng tin của người bệnh thì một khó khăn khác vẫn còn tồn tại. Người lao động có hoàn cảnh khó khăn thường tiếc một buổi làm nên ngần ngại không muốn đi khám. Chỉ khi thấy thật ốm mệt họ mới nghĩ tới bệnh viện. Khi đó thì bệnh tình thường cũng nặng và tốn kém nhiều hơn. Bạn Kim Anh nhắc lại: “Khi phát thẻ cũng thấy nhiều bác muốn đến lắm, nhưng các bác ấy còn có ý chần chừ. Tụi em cũng thường nhắn với người nhận là có quen ai có hoàn cảnh khó khăn thì giới thiệu họ tới với Mơ Phố Health”.
Thường xuyên tham gia các chương trình của Hội BSTN và đặc biệt là Chương trình Mơ Phố Health, Bác sĩ Nguyễn Thị Hợp – Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết: “Tôi biết đến Mơ Phố và Hội BSTN từ tháng 5 năm ngoái. Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa, mang tính nhân văn. Tham gia chương trình tôi thấy vui vì mình giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”.
|
|
Chương trình tư vấn sức khỏe không phí được tổ chức tại quán cà phê Mơ Phố từ 8 giờ – 11 giờ 30 phút sáng thứ Bảy hằng tuần. Clip: HỮU DƯƠNG. |
Cà phê Mơ Phố hiện được trang bị đầy đủ các thiết bị nội soi tai mũi họng, máy siêu âm, máy thử lượng đường trong máu… có thể giúp sàng lọc sớm một số bệnh. Chương trình Mơ Phố Health đang giúp lan tỏa ý nghĩa nhân văn, giúp thay đổi cách nghĩ về chăm sóc sức khỏe cá nhân của người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Giữ cho mình luôn khỏe mạnh cũng là cách để họ làm được nhiều việc hơn và làm việc được lâu dài hơn.
Bên cạnh chương trình Mơ Phố Health, Hội BSTN cũng triển khai các lớp học Sơ cứu ban đầu (chương trình Mơ Phố Education). Trong một không gian ấm áp bao quanh là những giá sách mà bất cứ bạn nhỏ nào cũng có thể mượn đọc, trong năm 2018 Hội BSTN đã tổ chức 10 lớp học kỹ năng sơ cấp cứu cho gần 100 học sinh ở các độ tuổi khác nhau. Tại đây, các em học sinh được trang bị kiến thức cơ bản để có thể tự sơ cứu cho bản thân và người thân hay các em nhỏ khác khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như bỏng, chảy máu cam, rạn, gãy xương, đuối nước… Lớp học thiết thực này ban đầu được Bác sĩ Ngô Tuấn Anh trực tiếp đứng lớp. Sau này, khi bắt đầu đi vào hoạt động thường xuyên vào sáng Chủ nhật hằng tuần (từ đầu năm 2019) tại Mơ Phố, các bạn sinh viên năm cuối các trường đại học y là người đứng lớp và hướng dẫn các em học sinh thực hành sơ cứu.
|
|
Một buổi hướng dẫn sơ cứu ban đầu tại Mơ Phố. Clip: HỮU DƯƠNG. |
Cô Nguyễn Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Ngoại ngữ – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã đưa hai con trai tới tham gia lớp học sơ cứu ban đầu vào một ngày Chủ nhật đầu tháng 3-2019. Cô chia sẻ: “Tôi thấy chương trình “Sơ cứu ban đầu” được chia sẻ trên Facebook nên đã đưa các cháu nhà tôi tới Mơ Phố. Chương trình này rất có ích, đặc biệt là các bạn nhỏ vốn ít được cung cấp kiến thức về sơ cứu như vậy. Chính các bạn nhỏ cũng rất là hào hứng. Hai cháu nhà tôi sau khi tham gia lớp học về đã áp dụng thành công khi chảy máu cam và biết cách thực hành như các anh chị tại Mơ Phố hướng dẫn. Chương trình này nên được nhân rộng ra hơn nữa, theo cách là mình dạy các bạn lớn và các bạn lớn dạy lại các bạn nhỏ hơn”.
Từ một quán cà phê được Thiếu tá, Bác sĩ Ngô Tuấn Anh – Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – thành lập năm 2017 làm nơi gây quỹ cho các chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” của Hội BSTN, căn nhà số 54 nằm trong con ngõ nhỏ (ngách 82/15) trên phố Yên Lãng, quận Đống Đa đã trở thành nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái “lương y như từ mẫu” với “ước mơ về một cuộc sống đủ đầy như ở thành phố” cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chắc chắn rằng giấc mơ này của Bác sĩ Ngô Tuấn Anh cùng các chương trình nhân văn của Hội BSTN sẽ còn lan tỏa tới nhiều nơi hơn nữa.
HỮU DƯƠNG