Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) để dần thay thế năng lượng sơ cấp, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế của cả thế giới. Bởi vậy, nếu Việt Nam không kịp thời nắm bắt thời cơ thực hiện các cam kết quốc tế để phát triển NLTT trong những năm tới bằng những chính sách, cơ chế khuyến khích hấp dẫn, minh bạch thì chắc chắn nước ta sẽ để vuột mất một cơ hội lớn để chuyển mình thành một quốc gia phát triển, hùng mạnh.
Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là chủ trương nhất quán
Những ngày qua, các đại biểu Quốc hội và dư luận đã đặt nhiều câu hỏi về phát triển điện năng lượng mới, điện NLTT. Theo đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị có nêu: “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT…”. Lý giải vấn đề trên, Bộ Công Thương cho biết, tại điểm a khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có nêu: “Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với từng loại hình điện NLTT, điện năng lượng mới phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ…” nhưng chưa có quy định cụ thể giao cơ quan nào thực hiện. Để phát triển các nguồn NLTT, năng lượng mới cần chính sách ưu đãi, hỗ trợ một cách cụ thể để khuyến khích phát triển đối với từng loại hình điện NLTT, năng lượng mới.
|
Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để phát triển năng lượng tái tạo hướng tới xuất khẩu (Ảnh minh họa) |
Trước tiên, về thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án điện NLTT hiện nay được thực hiện theo pháp luật về đầu tư, xây dựng như các dự án điện truyền thống khác. Về ưu đãi đầu tư, các dự án điện NLTT được hưởng các ưu đãi theo Điều 15, Điều 16 Luật Đầu tư số 61/2020/QH16 như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,… và các ưu đãi khác theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế và các quy định khác.
Còn trong Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) đã đưa ra các quy định khung về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án điện gió ngoài khơi từ khâu khảo sát, giao khu vực biển, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra, chấp thuận đưa công trình vào khai thác sử dụng, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi, điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.
Dự thảo cũng đưa ra các quy định khung như Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ của dự án điện từ nguồn NLTT; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển điện gió ngoài khơi như bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất, các chính sách hỗ trợ cho điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn NLTT, các chính sách ưu đãi cho điện năng lượng mới…
Đặc biệt, các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển đối với từng loại hình điện NLTT, năng lượng mới sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật. Dự thảo đã nêu nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 33. Trong quá trình quản lý và theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định quy mô của các nguồn điện này cho phù hợp, đơn giản hóa các thủ tục nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát phát triển để tránh lãng phí các nguồn lực. Đối với quy định tại khoản 4, việc các tổ chức, cá nhân phát triển nguồn điện để nhằm mục đích là tiêu thụ cho chính nhu cầu của mình, trường hợp có dư (tùy theo từng thời điểm) sẽ được phát lên hệ thống điện quốc gia. Việc mua bán điện dư (nếu có) thực hiện theo quy định pháp luật về giá phát điện.
Chính sách đột phá cho điện gió ngoài khơi
Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu, nhiệm vụ “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”. Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề xuất những chính sách, cơ chế để phát triển điện gió ngoài khơi.
|
Các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi sẽ do Chính phủ quy định sao cho phù hợp với từng giai đoạn (Ảnh minh họa) |
Trước tiên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, hiện nay chưa có công trình, dự án nào được triển khai nên chưa có kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng các chính sách phát triển.
Tuy vậy, các chính sách trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vẫn tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, tập trung vào các quy định về khảo sát lập dự án, trình tự, thủ tục về đầu tư; xây dựng, các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia các dự án.
Đáng lưu ý, Dự thảo có cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp Nhà nước tham gia đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi nhằm chủ động trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại những khu vực biển nhạy cảm.
Dự thảo quy định nguyên tắc về cơ chế bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu đối với nhà máy điện gió ngoài khơi để hỗ trợ thu xếp vốn vay, vì các dự án điện gió ngoài khơi nói chung sẽ có quy mô và vốn đầu tư lớn. Giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ phù hợp với mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư trong từng thời kỳ.
Mặt khác, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển để khảo sát nghiên cứu phát triển dự án theo quy định.
Về lựa chọn đơn vị thực hiện khảo sát, sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển trong từng thời kỳ. Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nếu có đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì sẽ được lựa chọn để giao khu vực biển thực hiện khảo sát.
Trong đó, để đảm bảo nguyên tắc áp dụng pháp luật đồng bộ, về cơ bản Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vẫn quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 31, 32) để bổ sung thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với loại hình dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, để hạn chế việc chuyển nhượng, mua bán dự án mất kiểm soát, ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp điện, Dự thảo Luật Điện lực quy định việc chuyển nhượng phần cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong dự án điện gió ngoài khơi.
Bùi Công
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/50ba0756-1f84-4e22-b2f6-973fd773e5e4