Giáo viên, bác sĩ bỏ nghề: Tiền có đủ giữ chân màu áo trắng?
Trong đại dịch Covid-19, khi đối mặt với hiểm nguy, lực lượng y tế đóng vai trò chủ chốt, trực diện đối mặt với dịch bệnh. Do là lần đầu và dịch diễn ra nhanh, lãnh đạo các đơn vị chưa có kinh nghiệm đối phó, nhất là mua sắm trang thiết bị. Sau dịch, nhiều cuộc thanh kiểm tra diễn ra.
Đại dịch Covid-19, nhân viên y tế được xem là “thiên thần”, là những người tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh |
Điều này là cần thiết để làm xã hội vận hành tốt hơn, nhưng hệ luỵ là ở góc độ nào đó cũng gây không ít áp lực, tổn thương những người được gọi là “thiên thần” áo trắng.
Ngay khi dịch mới “ngấp nghé”, đầu năm 2020, Trung tâm Y tế (TTYT) H.Vĩnh Cửu gần như là đơn vị đầu tiên của tuyến huyện thành lập khu cách ly ở cơ sở 2 (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu).
BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc TTYT nhớ lại, tất cả những người đi về từ vùng dịch trong và ngoài nước đều được cách ly tại đây. Lúc ấy, nhân lực của cả trạm lẫn TTYT cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham gia chăm sóc, theo dõi các ca cách ly và điều tra dịch tễ.
Biến cố xảy ra khi 3 người Trung Quốc bỏ trốn khỏi cơ sở cách ly rạng sáng 30-4-2021. Và sau sự việc này, bản thân BS Hoài phải làm bản kiểm điểm trong năm 2021.
“Mình là đơn vị đầu tiên làm nên không biết nơi nào có mô hình hay để học hỏi. Ai cũng tự mày mò, tự làm và chỉ chú trọng về chuyên môn. Lúc ấy, tôi không thể lường trước những nguy cơ và cảnh báo kịp thời đối với ý đồ trốn cách ly của người nhập cảnh trái phép” – BS Hoài tâm sự.
Dù vậy, bắt đầu từ tháng 7-2021 trở đi, số ca lây nhiễm tăng cao, tất cả nhân viên y tế của huyện đều lao vào “cuộc chiến” chống dịch. Riêng H.Vĩnh Cửu có đến vài cơ sở điều trị, cách ly F0, F1.
Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, TTYT huyện được giao phụ trách mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, kít xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19… phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn huyện tại khu cách ly tập trung F0, F1, tầm soát dịch bệnh cộng đồng, điều trị F0 tại nhà… Hình thức mua sắm chủ yếu thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn.
Video: các y, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân trong khu cách ly ở cơ sở 2 Vĩnh Cửu và bệnh nặng ở BVĐK Đồng Nai
Tuy nhiên, TTYT không thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch mà chỉ mua dụng cụ y tế phục vụ công tác tiêm chủng vaccine trên địa bàn huyện. Riêng đối với vaccine, thuốc điều trị kháng virus đơn vị không thực hiện mua sắm mà được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp theo các kế hoạch phân bổ vắc xin của tỉnh. TTYT thực hiện tiếp nhận, bảo quản và triển khai tổ chức tiêm chủng theo kế hoạch tiêm chủng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện.
Hậu Covid-19, có khoảng 7-8 cuộc thanh, kiểm tra về công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch.
“Chúng tôi sai lỗi là hợp đồng với nhà cung ứng bằng giá rẻ (135 ngàn đồng/kít test) nhưng lại được cung ứng thiết bị giá cao hơn (175 ngàn đồng/kít test) mà vẫn lấy bằng giá theo hợp đồng. Với lỗi này, tháng 9-2022, tôi phải làm kiểm điểm và không được xét thi đua khen thưởng, không có bất cứ thành tích nào cả” – BS Hoài cho biết.
Cũng trong năm 2022, Sở Y tế phê bình 3 tập thể và 18 cá nhân liên quan đến hạn chế, thiếu sót trong mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống dịch Covid -19 theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh. |
Trong dịch, hầu hết nhân viên y tế đều lo chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chấp nhận bản thân bị bệnh, có thể tử vong. Còn mua sắm, đấu thầu, thực tế tại Đồng Nai, không phát hiện vụ việc hay cá nhân nào lợi dụng dịch bệnh để nâng khống giá. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, đơn vị vẫn bị kiểm điểm sau các cuộc thanh, kiểm tra.
BS Hoài nghẹn ngào: “Do lần đầu tiên phải đối mặt với đại dịch lịch sử này, có thể chúng tôi có mắc lỗi nhưng đó là không cố tình và cũng không vụ lợi cá nhân. Sau nhiều lần làm kiểm điểm, khiển trách, tôi cũng bị tụt cảm xúc và thấy tổn thương thực sự”.
Dù không tư túi nhưng nhiều lãnh đạo bệnh viện vẫn bị xử lý kỷ luật. Ban giám đốc BVĐK Đồng Nai, Ban giám đốc BVĐK khu vực Định Quán, Ban giám đốc CDC Đồng Nai bị xử lý bằng hình thức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm do thiếu sót trong tham mưu, đề xuất mua sắm vật tư y tế, dự trù và lập kế hoạch mua thuốc điều trị chống dịch Covid-19.
Đối với cá nhân, các giám đốc, phó giám đốc, nguyên giám đốc các BVĐK Đồng Nai; BVĐK Thống Nhất; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai; BVĐK khu vực Long Khánh; BVĐK khu vực Long Thành; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Da liễu; CDC Đồng Nai cũng bị phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Khoảng 10 năm làm việc ở Khoa Cấp cứu, BVĐK Đồng Nai, BS Hồ Chí Chung đã không ít lần chứng kiến sự “ra đi” trong đau đớn vật vã của cả bệnh nhân và thân nhân của họ. Và cũng không ít lần, anh thấy bất lực dù muốn cứu bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”. Dù vậy, cũng có những ca BS Chung cảm thấy tiếc công.
Đại dịch Covid-19, nhân viên y tế được xem là “thiên thần”, là những người tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh |
BS Chung nhớ lại: “Cách đây không lâu, khoa tiếp nhận một ca bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, vào viện trong tình trạng nguy kịch. Các y, bác sĩ của nhiều khoa đã cố gắng cứu sống bệnh nhân. Khi bệnh nhân hồi phục, không có tiền chi trả do bệnh nhân không có thẻ BHYT, các y, bác sĩ lại gom góp tiền và bằng mối quan hệ cá nhân đi xin tiền mạnh thường quân mới đủ trả viện phí. Nhưng chỉ vài tháng sau bệnh nhân lại nhập viện với tình trạng tương tự.
“Nguyên nhân là họ thấy sức khỏe tốt rồi, bỏ thuốc không uống. Lúc ấy, mình thấy tiếc công sức lẫn số tiền bỏ ra cứu bệnh nhân trước đó và rất giận. Nhưng trước sự đau đớn, rên la của bệnh nhân, chúng tôi lại phải cùng nhau nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân” – BS Chung kể.
Có thể nói, Khoa Cấp cứu là nơi chứng kiến sự sống và cái chết rất mong manh, sống – chết chỉ diễn ra trong 1 thời khắc. Trước mỗi ca tử, tâm trạng của những người làm nghề cũng trùng xuống, có người dằn vặt bản thân vì không thể cứu sống người bệnh.
“Nhưng một người bác sĩ càng trưởng thành phải tự biết cân bằng cảm xúc và bảo tồn năng lượng vì mỗi ngày, chúng tôi còn rất nhiều bệnh nhân khác đang chờ” – BS Chung tâm sự.
Video: Cứu chữa cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BVĐK Đồng Nai
Có “thâm niên” 7 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu, BVĐK Đồng Nai, điều dưỡng Vũ Hồng Ngọc đã biết cách sắp xếp để cân bằng công việc dù khoa bệnh đông, ra vào liên tục. Nhưng sự mệt mỏi về thể xác có lẽ đã được giải quyết phần nào, còn mệt mỏi về tinh thần vẫn còn đó.
Chị Ngọc chia sẻ: “Ngày nào đi làm chúng tôi đều cầu mong trong lòng là, bệnh đông cũng được nhưng chỉ mong bệnh nhân… ngoan. Bởi có những ngày sẽ có vài bệnh nhân “quậy” thì cảm xúc của mọi người đều trùng xuống, không còn tinh thần tích cực để làm việc”.
Theo BS Chung, khoa đã gặp trường hợp, một bệnh nhân vào viện do cơn đau mật thận vì mới uống rượu, bia xong. Trong quá trình làm thủ tục nhập viện, một điều dưỡng hỏi lại tên của bệnh nhân để ghi vào hồ sơ. Thay vì hợp tác, bệnh nhân đã “thẳng tay” ném điện thoại vào mặt người điều dưỡng và suýt mù mắt. Sau đó, bệnh nhân không hề xin lỗi và chỉ nói do bực tức mới làm vậy.
“Đây là sự thiệt thòi của nhân viên y tế, không có quyền được phản kháng. Ai cũng đòi hỏi chúng tôi phải nhã nhặn, niềm nở với tất cả bệnh nhân nhưng lại quên rằng, chúng tôi cũng là con người, có cảm xúc và có lòng tự trọng.
Một ngày, chúng tôi tiếp cận cả trăm bệnh nhân thì khó có thể quan sát hết cảm xúc của bệnh nhân và nhân viên y tế cũng biết… mệt” – BS Chung bày tỏ.
Ngoài phải chịu áp lực lớn từ công việc thì thời gian làm việc của nhân viên y tế cũng được cho là khá dài. Mặc dù, cho đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác giờ làm việc của họ so với các ngành khác. Nhưng thông thường, họ không chỉ làm hết 8 tiếng, chưa kể thời gian trực gác, cứ 2-3 ngày lại trực 1 lần (từ 12-24 tiếng, tùy khoa và tùy cơ sở y tế). |
Bích Nhàn – Vi Lâm – Đắc Nhân
Bài 3: Trăm ngàn “nỗi sợ” của giáo viên
.