Từng bước thay đổi nhận thức của người dân
Về thôn Nhị Hà, xã Sơn Hà (Hữu Lũng, Lạng Sơn), qua sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hà Dương Ngọc Mai, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hà bà Vũ Thị Cảnh – người rất tâm huyết với công tác bình đẳng giới từ lúc đương chức cho đến khi về hưu.
Ở độ tuổi như bà Cảnh, ít ai có thể thành thạo việc sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội. Thế nhưng, đối với bà Cảnh nó như một phần không thể thiếu trong các hoạt động xã hội, bà thường xuyên tương tác, trao đổi thông tin hoạt động với những thành viên khác trong hội nhóm, câu lạc bộ ở địa phương thông qua mạng xã hội một cách rất thuần thục.
“Bây giờ nhờ có công nghệ, việc trao đổi, tiếp nhận thông tin trở nên đơn giản hơn. Ngày trước, là một thành viên, hay trên cương vị lãnh đạo Hội phải thực sự có sự nhiệt huyết, năng động thì mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Bởi không phải xuống nói chuyện về chủ trương, chính sách là người dân hiểu và thực hiện luôn, mà nó là cả một quá trình ‘mưa dầm thấm lâu’” bà Cảnh chia sẻ.
Là người trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải quyết những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, nhớ lại thời điểm khó khăn ban đầu, bà Cảnh kể: “Trên địa bàn xã, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng trên 1/3 dân số, chủ yếu là người Nùng và Tày nên việc tuyên truyền gặp vô vàn khó khăn. Nhiều người chỉ quan tâm bình đẳng giới có mang lại cơm ăn, áo mặc và “no cái bụng” hàng ngày hay không. Ngoài ra, không ít hộ còn bị chi phối bởi tư duy hủ tục như: Trọng nam khinh nữ; Phải có con trai để nối dõi; Nam giới làm những việc lớn lao, còn phụ nữ ở nhà chăm lo con cái, bếp núc… Họ còn cố chấp nói đây là việc riêng của gia đình và làm ngơ trước những lời khuyên”.
Không chùn bước trước những khó khăn, với sự chỉ đạo kịp thời từ cấp trên, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp hội, đoàn thể khác, các thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hà, từ lãnh đạo tới từng hội viên đã cùng nhau quyết tâm, tuyên truyền, lan tỏa chính sách tới người dân, với phương châm kiên trì và liên tục, nhờ đó từng bước thay đổi nhận thức của người dân.
“Cũng là người phụ nữ, tôi hiểu được những nổi khổ của các chị em khác khi phải chịu hậu quả từ bất bình đẳng giới. Sau mỗi buổi tuyên truyền, tôi đều tâm niệm, phải cố gắng để làm sao người dân có thể hiểu và thay đổi. Họ chưa tin, chưa thay đổi thì mình tiếp tục tuyên truyền. Một lần không được thì hai lần, không được thì ba lần… cho đến khi họ có thể nhận ra và thay đổi”, bà Cảnh chia sẻ.
Tuyên truyền gắn với kết quả thực tế
Suốt hơn chục năm trên cương vị lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hà, gắn bó với công tác bình đẳng giới, bà Cảnh cho rằng, công tác tuyên truyền phải gắn với những kết quả thực tế mà người dân có thể nhìn thấy.
Thời điểm mới làm công tác bình đẳng giới, rất nhiều hộ gia đình có tâm lý phải đẻ cho bằng được con trai để nối dõi, “chống gậy”. Thế nên tình trạng đẻ 3 con trở lên ở địa phương khá phổ biến. “Tôi nhớ, câu chuyện của một gia đình sinh được 4 người con gái. Lúc đầu, hộ gia đình này vẫn có tư tưởng cố sinh thêm con trai, nhưng được Hội quan tâm, tuyên truyền và vận động nên đã dừng lại việc sinh con để tập trung nuôi dạy con cái cho tốt.
Sau này, 4 đứa con gái đều thành đạt, 4 chàng rể đều đối xử tốt với bố mẹ vợ. Không chỉ vậy, khi bố vợ mất, 4 chàng rể lo đám hiếu rất chu đáo, như là con đẻ của ông bà. Câu chuyện này đã góp phần thay đổi suy nghĩ của mọi người về việc phải đẻ được con trai để có người nối dõi, phụng dưỡng”, bà Cảnh chia sẻ.
Trên cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hà, bà Vũ Thị Cảnh đã gặt hái rất nhiều thành công, nhận được rất nhiều bằng khen từ các cấp. Một trong những đóng góp nổi bật đó là năm 2018, bà là người tiên phong, vận động người dân thực hiện tốt mô hình “5 không, 3 sạch” góp phần lớn thay đổi cuộc sống của người dân xã nhà. Khi đó, mô hình xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” không chỉ góp phần thay đổi cả nhận thức và hành động của người dân về bình đẳng giới mà còn giúp địa phương đạt được các tiêu chí, về đích nông thôn mới.
Nói về mô hình này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hà Dương Ngọc Mai khẳng định, bà Cảnh là người đã đặt nền móng cho mô hình “5 không, 3 sạch” ở xã. Hiện nay, mô hình đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức, hành động trong nếp sống của người dân địa phương và dường như đã trở thành một phần không thế thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Dù đã trải qua nhiều năm nhưng mô hình này vẫn được người dân duy trì và thực hiện.
Bên cạnh đó, bà Cảnh còn là người đặt nền móng cho nhiều câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao ở từng thôn trên địa bàn xã. Thậm chí, bà còn dẫn dắt các chị em tham gia vào các hội, đoàn thể phục vụ công tác của địa phương. Trước đây, chỉ có những người trẻ tham gia nhưng dần dần đã lan tỏa đến cả những người lớn tuổi.
“Ban đầu, chồng của các chị em không thích họ tham gia các câu lạc bộ hay công tác địa phương, nhưng với những việc làm thực tế của bà Cảnh dành cho chị em phụ nữ ở địa phương, đã chứng minh được rằng phụ nữ có thể đi lên bằng đôi chân của mình. Từ đó, chị em cũng dần tự tin hơn và chứng minh cho chồng thấy mình vừa có thể chăm lo gia đình, vừa tự kiếm được tiền, rèn luyện bản thân và gặt hái được nhiều kết quả tích cực từ công tác địa phương, xã hội”, chị Mai cho biết.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/-bai-2-nguoi-dat-nen-mong-cho-cong-tac-binh-dang-gioi-i383857/