Bài 1: “Sức khỏe” của thị trường xuất khẩu và những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Gặp khó trong khâu thanh toán, xác minh năng lực đối tác
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, hiện yếu tố thanh toán ở các thị trường xuất khẩu vẫn là vấn đề khó khăn. Doanh nghiệp nào cũng muốn an toàn, đơn vị nào cũng muốn hiệu quả, mà thanh toán ảnh hưởng thì hầu như không doanh nghiệp nào muốn làm. Trong khi thanh toán hình thức nào cũng ảnh hưởng đến chi phí. DRC chọn mua bảo hiểm thanh toán. Ví dụ, tại một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ luôn yêu cầu cao khắt khe về chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và phải mua tại nước sở tại (Hoa Kỳ). Nhưng người Việt không thể mua trực tiếp tại Hoa Kỳ. “Đây là một thiệt thòi rất lớn cho doanh nghiệp Việt khi buộc lòng phải mua thông qua trung gia một đối tác khác, vừa mất cơ hội mua bảo hiểm cho doanh nghiệp Việt, vừa mất cơ hội đưa sản phẩm lưu hành tại thị trường khắt khe này. Mong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp hỗ trợ”, ông Nhựt đề xuất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn được hỗ trợ trong khâu thanh toán quốc tế và xác minh năng lực đối tác xuất khẩu |
Theo ông Nguyễn Anh Huy – Giám đốc Trung Nam EMS, hiện đơn vị có đối tác ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Trong đó, công tác xác minh năng lực của đối tác luôn là vấn đề khó khăn. “Công ty mong muốn các thương vụ, tham tán thương mại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, Trung Nam EMS nói riêng trong việc xác minh khách hàng tại thị trường khách hàng, bao gồm xác minh năng lực tài chính của các đối tác tại các nước có thương vụ Việt Nam”, ông Huy bày tỏ và lý giải thêm “Trong điều kiện thanh toán hiện nay có những khoản thanh toán sau 30 – 45 ngày thì rủi ro về mặt tài chính là có”.
Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò kết nối của Bộ Công Thương, các thương vụ.
“DRC mong muốn Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác giữa các quốc gia. Đặc biệt là xem xét ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia”, Đại diện DRC kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Huy – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản TP. Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, lạm phát tại nhiều quốc gia xuất khẩu, thị trường giảm sút rõ rệt. Dù có một số tín hiệu khởi sắc nhưng hiện các doanh nghiệp của hiệp hội vẫn rất khó khăn và tình hình này có thể kéo sang đầu năm 2024. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản miền Trung mong muốn các tham tán thương mại hỗ trợ đưa các sản phẩm gỗ vào các thị trường mới như Úc, Đông Âu và các thị trường khác. “Chúng tôi mong sẽ có những chương trình kết nối trực tiếp với các thương vụ và tham tán thương mại để doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có thể liên hệ và kết nối tìm kiếm cơ hội vào thị trường mới”, ông Huy nói.
Đề xuất Bộ Công Thương, các Cục, Vụ thuộc bộ hỗ trợ để doanh nghiệp có nhiều hơn các cơ hội kết nối, tìm kiếm đối tác ở thị trường mới, tiềm năng |
Tương tự, Giám đốc Trung Nam EMS mong muốn Bộ Công Thương, các vụ thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tăng cường kết nối các khách hàng tại các quốc gia để doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, Trung Nam EMS nói riêng mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Các thương vụ Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
“Bộ Công Thương và Vụ Thị trường châu Á – châu Phi sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong tìm kiếm tác, hỗ trợ thẩm định năng lực doanh nghiệp đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu”, Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện nay, các thị trường nhập khẩu lớn đều chú trọng đến ổn định chuỗi cung ứng và có xu hướng chuyển chuỗi cung ứng về gần thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh đa dạng nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày đối mặt với nguy cơ thiếu đơn hàng rất lớn. “Trước mắt, Bộ Công Thương, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ với hệ thống thương vụ của mình ở thị trường Âu Mỹ đều đang tăng cường tìm kiếm bạn hàng, đơn hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, phát triển mở rộng thị trường của mình trong khu vực”, bà Hiền nói và thông tin thêm, về dài hạn, tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh, công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng để có thể theo đuổi yêu cầu và mục tiêu về phát triển bền vững).
Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khẳng định Bộ Công Thương và Vụ Thị trường châu Á – châu Phi sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong tìm kiếm tác, hỗ trợ thẩm định năng lực doanh nghiệp đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu |
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thời gian qua, thương vụ Nhật Bản thường xuyên kết nối nhu cầu cung – cầu giữa doanh nghiệp các nước. Thông qua sự hỗ trợ của thương vụ đã có một số sản phẩm Việt Nam thâm nhập thành công vào các chuỗi siêu thị của Nhật Bản; thương vụ cũng tổ chức thường xuyên tuần hàng Việt Nam tại Tokyo, các điểm bán hàng Việt; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các triển lãm hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, thực phẩm đồ uống, công nghiệp phụ trợ… Nhiều doanh nghiệp đã hàng mẫu sang và được thương vụ trưng bày miễn phí cũng như kết nối với các đầu mối phân phối, nhà nhập khẩu lớn ở Nhật Bản. nhiều doanh nghiệp đã kết nối thành công với lượng hàng lớn…. Tổ chức quảng bá các sản phẩm nông sản tại Nhật Bản. “Thời gian tới, thương vụ sẽ tiếp tục thường xuyên cập nhật các mặt hàng mới của doanh nghiệp Việt Nam gửi đến trưng bày ở showroom của Thương vụ ở Nhật Bản”, ông Minh cho hay.
Liên quan đến vấn đề thanh toán giao dịch, xác minh năng lực đối tác ông Trần Ngọc Hà – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hungary cho rằng việc xác minh đối tác trước khi thực hiện giao dịch là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. “Doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Hungary có thể gửi thông tin cho Thương vụ Việt Nam ở Hungary để thương vụ hỗ trợ. Thương vụ sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng ở thị trường Hungary”, ông Hà nói.
Bà Đỗ Việt Hà – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp có thể liên hệ với thương vụ Việt Nam tại Đức. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm tra đối tác, kiểm tra khả năng thanh toán, hạn mức tín dụng các hoạt động kinh doanh và các thông tin cơ bản khác để tránh rủi ro trong mua bán kinh doanh”.
Bài cuối: Khuyến nghị nào dành cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?