(QBĐT) – Sau giai đoạn sơ khai buổi ban đầu, công nghiệp Quảng Bình tiếp tục có những sự đổi thay. Tuy nhiên, dưới ách thống trị của thực dân Pháp cùng chính sách khai thác thuộc địa tàn khốc, nền công nghiệp non trẻ không có cơ hội phát triển mà ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhưng cũng từ đó, giai cấp công nhân của tỉnh nhà dần được giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc dưới ngọn cờ soi sáng của Đảng.
Cuốn “Lịch sử Quảng Bình” của tác giả Lương Duy Tâm xuất bản năm 1963 cho thấy, giai đoạn từ năm 1930-1945, chính sách khai thác của tư bản Pháp đã góp phần đẩy mạnh hiện tượng phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam, nhưng nhân dân Quảng Bình căn bản vẫn là nông dân. TX. Đồng Hới không có cơ sở công nghiệp, hai nơi tập trung đông người làm cho tư bản Pháp nhất trong tỉnh là rượu Xica ở Ba Đồn và Mỹ Lộc, nhưng đó chỉ là những người tập hợp lại dưới hình thức làm thuê, không có tổ chức. Trước đó, khoảng năm 1920-1928, công trình làm đường sắt Vinh-Đông Hà cũng tập hợp khá đông người dưới hình thức ấy…
Quảng Bình hầu như không có tư sản dân tộc, ở Đồng Hới, Ba Đồn, chợ Tréo chỉ lèo tèo năm ba nguời buôn bán nhỏ. Giai cấp tiểu tư sản chỉ có một số ít công chức ở tỉnh lỵ, phủ lỵ và huyện lỵ, một số học sinh lớn tuổi ở các trường tiểu học, một số giáo viên sơ học tản mát ở nông thôn, một số người làm bồi bếp cho các gia đình Pháp…
Cũng theo tác giả Lương Duy Tâm, cuộc sống từ khi có thực dân Pháp đến ngày càng cơ cực thêm. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, thực dân Pháp là kẻ thắng trận, nhưng kinh tế ở chính quốc vì chiến tranh đã hao hụt nhiều. Chúng vạch “Chương trình khai thác Đông Dương lần thứ hai”. Công-nông-thương nghiệp của thực dân Pháp phát đạt bao nhiêu thì nhân dân ta bị bần cùng hóa bấy nhiêu.
Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ thôn tính các công ty được thành lập từ trước chiến tranh và trở thành công ty độc quyền sản xuất sợi vải ở Đông Dương. Năm 1922-1923, công ty này phát triển thêm nhà máy dệt thứ 2 ở Nam Định. Vải “Tây Cống”, “Đầu bò”… tràn khắp thị trường đã bóp chết nghề dệt cổ truyền, nhiều làng dệt, như: Lũ Phong (Quảng Trạch), Quảng Xá (Quảng Ninh), Mai Xá (Lệ Thủy) dần phải bỏ nghề.
|
Công nghiệp cất chế rượu đã được tư bản Pháp khai thác từ trước chiến tranh. Nhà máy rượu Đông Dương của hãng Phong Ten thành lập và nắm độc quyền cất chế rượu từ năm 1901. Sau chiến tranh nhà máy rượu mọc lên nhan nhản, tỉnh Quảng Bình có 2 lò. Riêng lò Ba Đồn mỗi tháng sản xuất 5.000 lít, pha với rượu cồn từ Hà Nội chở vào thành 20.000 lít dành bán cho hai huyện Tuyên Hóa-Quảng Trạch và bắc Bố Trạch. Các huyện phía trong đã có lò Tuy Lộc.
Khoảng năm 1925-1926, chính quyền bảo hộ lại bắt buộc các xã thôn phải tiêu thụ mỗi tháng một người dân sưu là 5 lít rượu. Rượu Xica thực sự tràn ngập thành thị và nông thôn. Các băng hiệu thuốc phiện (Ro) và rượu Nhà nước (RA) được treo khắp ngõ hẻm hang cùng. Hậu quả là nhiều làng như Tượng Sơn (Quảng Trạch), Mỹ Lộc (Lệ Thủy) đã phải bỏ một nghề phụ quan trọng là nghề nấu rượu.
Còn theo cuốn “Sơ thảo Lịch sử Cách mạng Tháng Tám Quảng Bình”, của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Bình, xuất bản năm 1974: Sống dưới chế độ xã hội mà bọn thống trị chuyên nghề ức hiếp, đục khoét, các tầng lớp quân chúng lao động suối đời đầu tắt mặt tối, đem hết sức ra làm mà vẫn không đủ ăn…
Cuộc sống dưới chế độ thực dân phong kiến đã khó khăn, người dân Quảng Bình lại luôn luôn bị thiên tai tàn phá, khó khăn càng thêm chồng chất. Nông dân bị phá sản, ngư dân nghèo đói, nghề thủ công không phát triển, buôn bản ế ẩm, thợ thầy thất nghiệp, nhiều người không đủ sống phải bỏ quê cha đất tổ đi tha phương cầu thực khắp nơi.
Nhiều người sang Thái, sang Lào, đi Cao Miên, Nam Kỳ, Tân Đảo, phải bán sức lao động ở các đồn điền cao su, làm phu ở các hầm mỏ, nhưng dưới chế độ cũ, dân nghèo không có lối thoát, họ cũng không tránh khỏi cảnh áp bức bóc lột và ở đâu họ cũng chịu cảnh cực khổ cơ hàn. Theo số liệu của phòng căn cước Đồng Hới thời Pháp thuộc trong những năm 1924-1925, Quảng Bình có 4.437 người đi Lào; những năm 1928-1933, có 826 người đi Nam Kỳ, Cao Miên…
Bắt đầu từ phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh và bằng những cuộc đấu tranh bãi khóa ở trường Roòn, Ba Đồn, Đồng Hới, các cuộc vận động bài trừ hàng ngoại hóa, rồi phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh đã gây nên làn sóng đấu tranh mới. Cũng thời gian này, thực dân Pháp lại mở thêm những đường giao thông quan trọng trong tỉnh, như đường 12 từ Tân Ấp qua Lào, nối đường xe lửa xuyên Đông Dương (đoạn Vinh-Đông Hà) để tăng cường và vét tài nguyên của cải xứ Đông Dương.
Những sự kiện đó đã tạo ra những yếu tố mới cho cách mạng phát triển. Cùng với phong trào đấu tranh của nông dân, của thanh niên, học sinh, vào những năm 1927-1930 lại có thêm phong trào đấu tranh sôi sục của công nhân xe lửa, của chị em buôn bán, của anh em kéo xe (Năm 1928-1930, công nhân xe lửa ga Thuận Lý có 2 cuộc đấu tranh: Đấu tranh đối phát lương đúng ngày, nếu chậm thì anh em nghỉ việc. Đấu tranh đòi nghỉ trước giờ 5 phút để rửa tay).
Từ những cuộc đấu tranh ấy, phong trào tiến dần lên, quần chúng cách mạng được giác ngộ, cơ sở các chính đảng như Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt cách mạng Đảng bắt đầu xuất hiện ở tỉnh ta.
Giai đoạn từ năm 1930-1945 không có nhiều nghiên cứu về sự phát triển của công nghiệp Quảng Bình, chủ yếu tập trung vào nội dung về sự thống khổ của nhân dân ta dưới gông xiềng áp bức và tinh thần đoàn kết, đấu tranh cách mạng của các giai cấp, trong đó có giai cấp công nhân. Tuy nhiên, nhìn chung, công nghiệp tỉnh nhà giai đoạn này chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chính sách thực dân khai thác thuộc địa, đứng trước nguy cơ mai một dần. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời kỳ mới để nền công nghiệp Quảng Bình tiếp bước vào giai đoạn mới.
Mai Nhân