(QBĐT) – Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Các di tích lịch sử, văn hóa (LSVH), danh thắng không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà còn trở thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.
Quảng Ninh có hệ thống di tích mang đậm dấu ấn truyền thống lịch sử hào hùng và sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Nhiều di tích đã trở thành “điểm đến” tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích LSVH trên địa bàn huyện còn khó khăn, cần được quan tâm.
Nhiều di tích xuống cấp
Khu vực Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559, tại xã Hiền Ninh là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nơi làm việc của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Sở Chỉ huy đoàn 559. Tại đây, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đã vào thăm, làm việc. Đây còn là nơi đóng quân của Trạm thông tin tải ba, nơi hội họp và nhận lệnh của các đơn vị Đoàn 559 (thời kỳ 1973-1974).
Đặc biệt, sau Hiệp định Paris, Đoàn 559 đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại khu vực Hiền Ninh để mừng chiến thắng. Hệ thống di tích Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 bao gồm: Hội trường Bộ Tư lệnh, nhà khách Bộ Tư lệnh, nhà thờ họ Nguyễn, nhà thờ họ Trương, nhà thờ họ Lê. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành và nguồn lực xã hội hóa, khu vực Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 đã được đầu tư, tôn tạo. Tuy nhiên, do được xây dựng từ hàng chục năm trước nên một số hạng mục đã xuống cấp.
|
Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (xã Vạn Ninh) có diện tích khoanh vùng bảo vệ là 545m2. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, nên dù được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng hiện nay phần gỗ của mái nhà thờ đã bị xuống cấp.
Bà Trần Thị Thêm, người trông coi nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, hiện nay, phần gỗ trên mái nhà thờ đã xuống cấp, trời mưa nước chảy giọt xuống nhà thờ. Về lâu dài nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến phần khung gỗ và nội thất bên trong. Hiện, xung quanh các bức tường của nhà thờ cũng đã xuất hiện vết nứt.
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh Đỗ Ngọc Sơn, những năm qua, công tác bảo tồn, trùng tu, chống xuống cấp di tích đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do tác động tàn phá của chiến tranh và ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu nên các di tích LSVH, danh thắng trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã và đang xuống cấp theo thời gian. Tiêu biểu như: Di tích khu vực Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559, nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, hệ thống lũy Đào Duy Từ, bia di tích bến phà Long Đại…
Khó khăn trong quản lý, bảo tồn
Theo ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, các di tích LSVH trên địa bàn huyện Quảng Ninh đa số nằm trong quy hoạch đất sử dụng vào mục đích khác nên quá trình bảo vệ, trùng tu, tôn tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai. Đa số các di tích nằm trong khu vực dân cư nên dễ bị tác động trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân, như: Ảnh hưởng về môi trường, cảnh quan…
Huyện Quảng Ninh hiện có 8 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, 1 di tích danh thắng và 5 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm. |
Một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn lực kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích còn hạn hẹp. Những năm qua, huyện đã quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, tôn tạo nhưng so với nhu cầu là quá lớn, trong khi nhiều di tích đã xuống cấp cần được tu bổ kịp thời.
Kinh phí để thuê người bảo vệ trông coi di tích cũng hạn chế. Hiện, huyện chỉ hỗ trợ kinh phí thuê người trông coi các nhà thờ (nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm, nhà thờ Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật), tuy nhiên, kinh phí còn thấp, chỉ mang tính động viên. Các di tích khác được giao cho địa phương quản lý chung, trong đó chủ yếu phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể ở địa phương, bởi chưa có kinh phí để hỗ trợ.
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh, toàn bộ 20 di tích LSVH, danh thắng trên địa bàn huyện Quảng Ninh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều di tích không có bản đồ chi tiết, không có hồ sơ cấp đất pháp lý, như: Chùa Cảnh Tiên, thôn chiến đấu Hiển Lộc, hệ thống lũy Đào Duy Từ, cụm di tích Đoàn 559… Khi lập hồ sơ di tích, chưa lường hết tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nên nhiều di tích khoanh vùng quá rộng, ảnh hưởng đến quy hoạch kinh tế-xã hội của từng địa phương dẫn đến việc quản lý, bảo vệ di tích còn nhiều khó khăn.
Lan Chi
Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị