Bài 1: Gian nan đã trải
Chúng tôi có mặt tại khu tái định cư thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) khi nơi đây mới chỉ là một bãi đất rộng vài trăm m2, được san gạt vội vàng cho buổi khởi công. Hôm nay, đám đất trống ấy đã biến thành khu dân cư với 35 nóc nhà nằm vững chãi. Được như vậy phải kể đến công sức của các cấp chính quyền, người dân Lào Cai và đặc biệt là của ban quản lý, các nhà thầu, công nhân… Họ lao động với một quyết tâm, ý chí “vượt nắng thắng mưa”, hoàn thành vượt tiến độ đề ra.
Ngày khởi công, khu tái định cư chỉ là một khu đất trống được san gạt vội vàng.
Hôm nay, tại đây đã có 35 căn nhà vững chãi, chắc chắn.
Còn nhớ ngày 21/9, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với chính quyền tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà, xã Cốc Lầu tổ chức buổi khởi công khu tái thiết cho mấy chục hộ dân bị mất nhà, nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao của thôn Kho Vàng.
Ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng uỷ xã Cốc Lầu cho biết, việc chọn địa điểm xây dựng nơi tái định cư mới cho 35 hộ dân thôn Kho Vàng đã được các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh, huyện và xã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Ban đầu có đến 3-4 phương án được đưa ra, nhưng rút lại chỉ còn một phương án là sẽ xây dựng các căn nhà theo lối “giật cấp” thoai thoải trên các sườn đồi. Đây là một vị trí khá vững chãi, xung quanh không còn một quả “đồi trọc” nào có nguy cơ nứt, sụp xuống được nữa. Bên cạnh đó, theo phong tục của người dân tộc Mông, Dao thì họ muốn sinh sống ở trên cao, chứ không thích sống ở dưới thấp.
Thi công theo lối “giật cấp” nên khu tái định cư cần phải được gia cố bằng tường đá, rọ đá…
“Ngàn đời nay người Mông đã chọn những nơi cheo leo gần đỉnh núi để định cư, cho nên việc chọn khu tái định cư mới cho họ cũng phải bảo đảm yếu tố này. Thêm vào đó, cơ quan chức năng trong tỉnh cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học, địa chất… về lựa chọn trên. Tất cả đều cho rằng chỉ cần có phương án xử lý như làm các bức vách bằng đá “ốp” vào thân đồi, dưới chân mỗi khu nhà cũng cần được đổ bê tông hoặc gia cố thêm bằng các rọ đá. Những rãnh thoát nước cũng được xử lý sao cho nước có thể thoát nhanh…Với cách làm như vậy, nhân dân có thể yên tâm định cư” – ông Nghi nói.
Lựa chọn trên mặc dù được người dân hưởng ứng, đồng thuận cao, nhưng lại đặt Ban quản lý cũng như các nhà thầu xây dựng trong một tình huống hết sức khó khăn.
Khó bởi muốn xây nhà thì phải có được mặt bằng, trong khi địa hình quả đồi lại không phải là một mặt phẳng duy nhất, mà lại có nhiều “bậc thang”, buộc phải xây dựng theo lối “giật cấp”. Nghĩa là, thay vì chỉ phải giải phóng một mặt bằng, thì Ban quản lý, nhà thầu phải giải phóng đến 5-7 tầng bậc khác nhau, cao dần. Đơn cử “tầng một” được 3 căn hộ, “tầng 2” được 3 căn, “tầng 3” được 3 căn, “tầng 4” được thêm 8 căn, “tầng 5” được 1 căn… cho đến tầng 8. Riêng việc giải phóng mặt bằng cho khu dân cư đã tốn không ít thời gian, công sức.
Địa hình cao khiến việc đưa máy móc, phương tiện và vận chuyển nguyên vật liệu vào công trường gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Tiếp đó, việc vận chuyển vật liệu xây dựng lên mặt bằng để thi công cũng gặp rất nhiều trắc trở. Anh Đỗ Thành Luân, cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội xã Cốc Lầu chia sẻ, những ngày đầu thực hiện việc tái thiết, Ban quản lý cũng như nhà thầu vấp phải muôn vàn khó khăn bởi địa hình đồi núi, độ dốc cao phải “chặt cây, cào đất” để làm đường giao thông. Hơn nữa, những cơn mưa rừng xối xả khiến cho con đường trở thành vũng bùn nhão nhoét, xe “một cầu”, thậm chí “hai cầu” nhiều khi cũng bị sa lầy.
Còn nhớ hôm chúng tôi leo bộ lên con đường dẫn đến khu tái định cư, thực sự là một thử thách lớn. Dù đã được xe chuyên dụng mở đường, song chúng tôi vẫn phải vượt qua nhiều triền dốc dựng đứng, nơi mỗi bước đi như thử thách sự can đảm của bất cứ ai.
Mặt đường phủ đầy bùn đỏ, trở nên trơn như mỡ sau mỗi cơn mưa. Những vệt nước mưa chảy xói, tạo thành những rãnh sâu loang lổ khắp nơi. Nước mưa cũng biến lớp đất trở nên nhão, xốp – nếu ai không cẩn thận sẽ bị thụt xuống mất giầy như chơi.
Để hình thành mặt bằng và hệ thống giao thông như hiện nay, đơn vị thi công đã phải san gạt khối lượng đất đá lên đến hàng trăm ngàn m3. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Anh Bùi Văn Thắng, quản lý một trong nhiều đội thi công tại công trình cho chúng tôi biết, khi nhận được đề nghị xây dựng gần chục căn nhà mới tại đây, với ý nghĩa xã hội rất lớn, toàn thể công nhân trong nhóm anh đều quán triệt tinh thần quyết tâm “vượt nắng thắng mưa” để thực hiện các công việc từ đào móng, đổ bê tông và hoàn thiện trong một thời gian ngắn nhất, chất lượng tốt nhất.
Trước việc mưa lớn có thể ảnh hưởng đến công tác vận chuyển nguyên vật liệu, anh Thắng đã bàn với nhà thầu huy động xe hai cầu và máy xúc. Đoạn đường nào khó đi quá thì sẽ dùng máy xúc san gạt, hoặc kéo xe tải cố gắng tập kết đủ vật liệu.
Cũng theo anh Thắng, để đảm bảo tiến độ các công nhân sẵn sàng tăng ca, làm thêm ca đêm. Dự kiến khoảng 10 ngày dựng xong phần thô một căn nhà, còn việc hoàn thiện sẽ được xong trong cuối tháng 12…
Minh Tiến
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/b46e1ef3-8811-4321-b0e3-812c3d4d35b4