Công tác lập kế hoạch và triển khai bảo trì đường bộ trên các tuyến quốc lộ được uỷ thác, đường tỉnh, đường trục chính đô thị luôn được chú trọng, thông suốt. Sở Giao thông vận tải (GTVT) một mặt phối hợp với các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã thành phố trong kiểm tra, giám sát, quản lý, duy tu bảo trì đường bộ. Mặt khác chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức năng nắm bắt kịp thời chất lượng các đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp cần phải trùng tu…, từ đó, tăng cường quản lý, bảo trì, bảo dưỡng mạng lưới đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, xem xét, tổ chức phân luồng, phân làn giao thông, bảo đảm ATGT, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm. Đẩy mạnh công tác xây dựng, sửa chữa hạ tầng giao thông, phù hợp với xu thế phát triển và phục vụ nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới nâng cao của tỉnh về tiêu chí giao thông.
Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của Sở chủ động đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ như Công ty cổ phần xây dựng đường bộ 248-Cienco1, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng công trình giao thông Thành Nam, Công ty cổ phần đường bộ Bắc Ninh… thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì mạng lưới đường bộ do Sở quản lý; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những đoạn tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp; tổ chức nghiệm thu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, đường trục chính đô thị và các tuyến Quốc lộ thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh; kiểm tra, sửa chữa khắc phục kịp thời sự cố hư hỏng của hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoạt động bình thường liên tục phục vụ tốt công tác đảm bảo ATGT tại các nút giao thông; bổ sung hệ thống biển báo hiệu, gờ, gồ giảm tốc tại các vị trí đường dân sinh, đường giao thông nông thôn giao với Quốc lộ, đường tỉnh, tạo giao thông thông suốt, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện lập biên bản ngăn chặn đối với các tổ chức, cá nhân, có các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang bảo vệ đường bộ để phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương giải quyết xử lý theo quy định pháp luật. Phòng cũng phối hợp với Công ty cổ phần đường sắt Hà Lạng, các huyện, thị xã, thành phố có đường sắt đi qua rà soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; xử lý, khắc phục kịp thời các điểm tiềm ẩn, điểm bất cập trong tổ chức giao thông trên hệ thống đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh; chung tay xây dựng kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt đến năm 2025.
Duy tu, sửa chữa QL.18, đoạn Nội Bài- Bắc Ninh.
Công tác quản lý hết cấu hạ tầng giao thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải đề nghị các địa phương xây dựng nhu cầu quản lý, bảo trì và kế hoạch bảo trì định kỳ các tuyến giao thông nông thôn; đường tỉnh, đường trục chính đô thị để kịp thời nắm bắt và duy tu, bảo dưỡng. Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bảo dưỡng thường xuyên 4 tuyến quốc lộ nhận ủy thác, chiều dài 80,47 Km; nghiệm thu hoàn thành công trình sửa chữa định kỳ, làm mới nền, mặt đường và công trình trên tuyến đoạn Km21+640 – Km24+300 (phải tuyến) QL.18, Nội Bài – Bắc Ninh; sửa chữa đột xuất hệ thống ATGT tại nút giao Km10+884/QL.17 với ĐT.276, (thị xã Thuận Thành); tích cực đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung trang thiết bị, máy móc, nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công 7 công trình trong kế hoạch bổ sung năm 2023 và một số công trình của năm 2024; đang triển khai thi công 18/18 công trình, giá trị thực hiện khoảng 73,9 tỷ đồng; thi công 19 công trình sửa chữa đột xuất đảm bảo ATGT, tổng giá trị thực hiện 16,60 Tỷ đồng; vận hành 129 cụm đèn tín hiệu và đèn cảnh báo giao thông. Đồng thời thực cấp phép thi công nhiều công trình, nút giao đấu nối quan trọng; thực hiện cắm mốc lộ giới quy hoạch các tuyến đường tỉnh theo chủ trương được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương liên quan thực hiện rà soát, hoàn chỉnh hệ thống bản đồ quy hoạch GTVT giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Chủ trương của tỉnh, tận dụng cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, phát huy tối đa lợi thế của khu vực đô thị để tập trung cải tạo, nâng cấp kết hợp xây mới mạng lưới giao thông vận tải hiện đại, đồng bộ có tính liên thông, liên kết cao, tạo đà phát triển bền vững. Vì vậy, nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông luôn được ngành GTVT coi trọng và đẩy mạnh thực hiện nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh trong tình hình mới.