(BTV) Sáng 8/11, tại Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng”. Các đồng chí: Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; đại biểu các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng; các nhà khoa học, các đại biểu có bài tham luận tại Hội thảo.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nêu bật giá trị văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; trong đó Bắc Ninh – Kinh Bắc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam; nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian với nhiều công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là Dân ca Quan họ đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa được chú trọng và từng bước đầu tư phát triển toàn diện, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc – Bắc Ninh. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hương Giang cũng khẳng định Hội thảo khoa học được tổ chức tại Bắc Ninh có ý nghĩa quan trọng giúp tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 71 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu khẳng định Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa tại các khu vực, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thảo luận, xác định, cụ thể hóa các hệ giá trị; gắn với thực tiễn từng khu vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; đề xuất phương hướng, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện; góp phần củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn để tham mưu cho Đảng tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng và đất nước nói chung.
Các đại biểu dự Hội thảo
Gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học, các đại biểu gửi đến hội thảo, trong đó 10 tham luận trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ những yếu tố ảnh hưởng tác động đến việc triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình ở vùng Đồng bằng sông Hồng; Vị trí chiến lược của vùng đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại, nhấn mạnh các giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của vùng đất địa linh nhân kiệt, địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển và hội nhập, kế thừa và phát huy các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tiếp tục khẳng định động lực phát triển hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng. Định vị tầm nhìn của các địa phương trong phát triển bền vững với thế kiềng phát huy nội lực, xây dựng phát triển văn hóa và con người thành nguồn lực, sức mạnh mềm, động lực cho phát triển. Yếu tố thời đại đến giữ gìn, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người trong thời kỳ mới…Các tham luận cũng đề xuất các giải pháp để triển khai giữ gìn, phát triển các hệ giá trị trong thời kỳ mới, chú trọng quan hệ bên trong với quan hệ bên ngoài. Tập trung nguồn lực phát triển con người, phát triển văn hóa để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, để văn hóa và con người thực sự là sức mạnh nội sinh cho phát triển trong thời kỳ mới.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai phát biểu Kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai cho biết, đây là một trong số các Hội thảo, tọa đàm về 4 hệ giá trị tại các vùng, miền, địa phương được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức trong 2 năm 2023-2024. 28 bài tham luận đã trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu và phân tích làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung giải pháp thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ đó, nhân lên niềm tự hào dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử, trân trọng các giá trị của cha ông để lại để định hướng cho hành động giữ gìn, phát triển hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần quan trọng cho định hướng xây dựng chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
Kết quả Hội thảo là cơ sở lý luận và thực tiễn để cụ thể hóa, thể chế hóa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp với thực tiễn, gắn chặt với việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách phát triển Kinh tế – Xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Phương Hoa, Quốc Hưng
Nguồn: http://bacninhtv.vn/tin-tuc-n20949/phat-huy-vai-tro-he-gia-tri-van-hoa-vung-dong-bang-song-hong.html