Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế ở nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, nhất là những sản vật, ngành nghề truyền thống tại mỗi địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng (thứ 3 từ phải qua) thăm quan các gian hàng tại Chợ phiên “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức tháng 4/2023.
Là một trong những chủ thể tham gia sớm Chương trình OCOP của tỉnh, đến nay, Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã có 4 sản phẩm đăng ký, đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Anh Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX Liên Ấp cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đã giúp các sản phẩm nông sản sạch của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết, tin dùng. Nhiều cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể bao tiêu đầu ra, nên sản xuất sản phẩm ra đến đâu tiêu thụ hết đó. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn rau, củ, quả các loại, cho doanh thu 1 năm từ 12-13 tỷ đồng”.
Cùng với các sản phẩm của HTX Liên Ấp, đến nay, toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thị xã, thành phố, tăng 60 sản phẩm so với năm 2020. Trong đó, các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận như huyện Lương Tài (19 sản phẩm); thị xã Thuận Thành (17 sản phẩm); thành phố Bắc Ninh (13 sản phẩm); huyện Tiên Du và thị xã Quế Võ mỗi đơn vị có 12 sản phẩm… Đây là các sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, đồ lưu niệm và trang trí.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Lệ Tuyết (thứ 2 từ trái qua) thăm quan các gian hàng O COP của Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tại Hội Lim Xuân Giáp Thìn 2024.
Các sản phẩm OCOP đã và đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng, góp phần gìn giữ những nghề truyền thống và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như các sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK của Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam (thị trấn Lim, huyện Tiên Du); tỏi bà Lý của Công ty TNHH TMDV du lịch và giáo dục Gia An (xã An Thịnh, huyện Lương Tài); bánh khoai, bánh ngũ sắc gia truyền của hộ bà Nguyễn Thị Nhung (phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh); nem Bùi Tuấn Liên (phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành); Bánh phu thê Minh Thu (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn); gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ (huyện Yên Phong)…
Để đạt được kết quả trên, những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, các địa phương bám sát các Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ về xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP Quốc gia để xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, công tác tuyên truyền về Chương trình được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, các hội nghị tập huấn, hội chợ quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh… Giai đoạn 2018 – 2024, toàn tỉnh đã tổ chức được 122 hội nghị tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa, cách thức tham gia, chu trình chuẩn hóa sản phẩm Chương trình OCOP cho trên 12.000 người dân và các hộ sản xuất kinh doanh; mở 15 lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp huyện, xã và các chủ thể.
Các sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận.
Cùng với đó, các chính sách hỗ chợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP cũng được tỉnh quan tâm. Mỗi sản phẩm OCOP đạt 5 sao được thưởng 100 triệu đồng, thưởng 30 triệu đồng cho sản phẩm đạt 4 sao và 20 triệu đồng cho mỗi sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển kinh tế trang trại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ sở hữu thương hiệu… nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP và nâng cao hiệu quả các sản phẩm đã được công nhận OCOP. Đồng thời, tham mưu Hội đồng xét duyệt tỉnh công nhận thêm khoảng 50 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao, nâng số sản phẩm được công nhận OCOP toàn tỉnh lên 143 sản phẩm; phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh); xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ); phường Song Hồ (thị xã Thuận Thành) nhằm gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới bền vững.
H.T