Bắc Ninh nằm ở trung tâm vùng châu thổ sông Hồng, là phên dậu phía Bắc của kinh đô Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, sớm là “cái nôi” của người Việt cổ; quê hương của những di sản văn hóa nổi tiếng, nơi có nhiều danh nhân, danh tướng tài cao đức trọng, nên được sử sách và dân gian ca ngợi là vùng địa linh nhân kiệt – ngàn năm văn hiến.
Hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất phong phú, đa dạng. Di tích có 1.589 di tích; (trong đó có 628 di tích được xếp hạng, bao gồm: 04 di tích quốc gia đặc biệt; 203 di tích quốc gia; 421 di tích cấp tỉnh; 961 di tích chưa xếp hạng); 10 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Di sản văn hóa phi vật thể Bắc Ninh cũng rất đặc sắc như: 547 lễ hội truyền thống, 140 làng nghề trong đó có 62 làng nghề truyền thống; 03 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 08 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống khác nhau như: Tuồng, Chèo, Ca trù, Trống quân… Đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.
Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong những năm qua đã có nhiều chủ trương chính sách được ban hành, Các di tích có giá trị được quy hoạch tổng thể, quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh và từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đồng thời huy động nguồn lực của toàn xã hội vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hàng trăm tỷ đồng, phục vụ sinh hoạt văn hóa tâm linh và đáp ứng nhu cầu của du khách tới tham quan, nghiên cứu, học tập.
Bên cạnh công tác đầu tư tu bổ di tích, tỉnh chú trọng phát triển văn hoá nghệ thuật dân gian kết hợp với việc khôi phục, phát triển hệ thống làng nghề truyền thống góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch của địa phương. Tổ chức các tuor, tuyến du lịch hấp dẫn thông qua các lễ hội truyền thống, gắn với các di tích lịch sử, văn hoá như: lễ hội chùa Phật Tích, đền Đô, Hội Lim. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân các địa phương khôi phục, xây dựng và mở rộng các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất đồ lưu niệm để tạo ra những sản phẩm độc đáo của địa phương như: Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ; gốm Phù Lãng; gò, đúc đồng Đại Bái; nghề chạm khắc gỗ Phù Khê; đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ,… đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của du khách, tạo việc làm ổn định cho người dân ở các làng nghề, tăng nguồn thu ngoại tệ trực tiếp…
Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thường xuyên duy trì, triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ khoa học cho 49 di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa, khuyến khích cộng đồng cam kết bảo vệ di sản, góp phần bảo tồn, lưu giữ di sản, đồng thời phát huy tính sáng tạo, lưu giữ lòng tự tôn trong các cộng đồng và cá nhân – những chủ thể đang nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống đương đại. Từ đó tham mưu kế hoạch, đề án, dự án bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả các hoạt động quảng bá di sản, văn hóa, du lịch của tỉnh Bắc Ninh.
Thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại – Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đã được triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Có thể nói, tỉnh Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Dân ca Quan họ. Nhiều chính sách của tỉnh thời gian qua có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các CLB Quan họ tiêu biểu… Đó là nguồn khích lệ, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; khích lệ tầng lớp nghệ nhân kế cận (những người trẻ) tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng.
Với mục đích đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá về miền đất, văn hóa, con người và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Ninh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, những năm qua tỉnh tổ chức nhiều đoàn Famtrip khảo sát tuyến, điểm du lịch trong tỉnh và quảng bá du lịch Bắc Ninh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các sự kiện Văn hóa – Du lịch như chương trình “Về miền Quan họ”, Chương trình hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền, liên hoan ẩm thực du lịch làng nghề đã trở thành điểm hẹn của bạn bè và du khách về với Bắc Ninh.
Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng mở rộng. Tuy chưa được định hình rõ nét song ý thức về ngành công nghiệp sáng tạo ở Bắc Ninh bắt đầu được quan tâm khai mở bằng việc tạo ra những sản phẩm văn hóa mang bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc như đầu tư phục dựng không gian văn hóa Quan họ thu hút khách du lịch; khuyến khích sáng tạo đa dạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh; tổ chức chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời từng bước bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về mở rộng hợp tác, ngoại giao văn hóa; phối hợp sản xuất các bộ phim phóng sự truyền hình, phim tuyên tuyền quảng bá về di sản văn hóa với chủ đề Bắc Ninh sưa và nay, phim hoạt hình giáo dục lịch sử – danh nhân Kinh Bắc…
Với những nỗ lực trên, ngành du lịch Bắc Ninh bước đầu đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch mấy năm gần đây phát triển khá tốt, thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín tham gia xây dựng các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao như khách sạn Mường Thanh của tập đoàn khách sạn Mường Thanh, khách sạn Le Indochina của tập đoàn DABACO; trung tâm thương mại và khách sạn Vincom của tập đoàn Vingroup… theo đó số lượng khách du lịch tới Bắc Ninh cũng ngày một tăng năm 2019 đạt 1,6 triệu lượt; Thu nhâp du lịch đã vượt trên 1.000 tỷ đồng; định hướng phát triển du lịch xanh, sinh thái, bền vững gắn với du lịch tâm linh, cộng đồng ngày càng được định hình; góp phần tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết nguồn lao động địa phương, đồng thời gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương văn hiến.
Nhìn vào bức tranh phát triển du lịch của tỉnh, phải thừa nhận rằng, sự phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh chưa tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong điều kiện và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, khai thác có chiều sâu giá trị di sản văn hóa thế giới Dân ca Quan họ Bắc Ninh để trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của tỉnh. Theo đó, các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành sẽ đi theo hướng phát triển thành những điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong nước và quốc tế, kết hợp tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội, danh nhân và làng nghề truyền thống.
Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử để tăng cường hiệu quả quảng bá di sản văn hóa; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam Airline và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh và di sản văn hóa quê hương ở trong nước và quốc tế. Với nhiều hình thức: Lồng ghép tổ chức sự kiện văn hóa của tỉnh; tiếp tục bảo tồn không gian, các thiết chế văn hóa đặc thù; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá đối với từng loại hình di sản như quảng bá di tích Quốc gia đặc biệt; Bảo vật Quốc gia, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội… trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với định hướng đầu tư, phát triển hạ tầng thiết yếu tại điểm du lịch.
Ba là, tiếp tục đầu tư trọng điểm di tích lịch sử, văn hoá được xác định là chủ đạo trong khai thác phát triển du lịch, tập trung các điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận, Quy hoạch đầu tư phát triển du lịch một số làng nghề có tiềm năng như: gốm Phù Lãng, tranh dân gian Đông Hồ, gỗ mỹ nghệ Phù Khê, các làng Quan họ gốc, Trung tâm sinh hoạt Quan họ đồi Lim, đồng thời với việc đầu tư nâng cấp mở rộng những tuyến, trục giao thông kết nối điểm du lịch để nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn tour, tuyến, điểm du lịch trong tỉnh.
Bốn là, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch như chính sách phát triển du lịch ở các làng Quan họ gốc, các làng nghề, các vùng nông nghiệp sinh thái nông thôn… Hỗ trợ khôi phục một số lễ hội phục vụ du lịch, khuyến khích cộng đồng gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ và biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, du lịch trước mắt tập trung xây dựng đội ngũ thuyết minh viên có chất lượng cao để có thể truyền tải hết được những giá trị văn hóa cội nguồn quý giá của quê hương văn hiến. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch Nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện, mến khách và tham gia giữ gìn di sản.
Du lịch văn hóa nhân văn hay du lịch văn hóa cộng đồng đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển du lịch ở giai đoạn hiện nay, đặc biệt với tỉnh giàu tiềm năng di sản văn hóa như ở Bắc Ninh. Vì vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ và bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế – xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên – môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quê hương./.
Nguyễn Văn Ảnh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL