Đó là cảm nhận của độc giả khi đọc xong trang cuối cuốn sách “Từ giấc mơ con đến ước mơ lớn” – NXB Phụ nữ Việt Nam tháng 3/2024 của tác giả Cao Văn Hà. Cũng như tác phẩm đầu tay được độc giả đón nhận nồng nhiệt tựa đề “Chuyện làng tôi”, ở cuốn sách thứ 2, ông Hà vẫn tin tưởng chọn một số bạn hữu tiếp cận, góp ý tác phẩm khi mới ở dạng bản thảo.
Gấp lại cuốn sách, người đọc bừng lên cảm giác ngưỡng mộ cả tâm lẫn tầm của cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, người sau khi nghỉ hưu đã dấn thân làm khuyến học cho quê hương. Câu chuyện làm khuyến học ở Đông Tiến, trộm nghĩ không cần đề cập nhiều bởi tác giả đã “bày biện” tương đối toàn diện trong cuốn sách này. Chỉ có thể cảm nhận, với một người ngoại đạo về viết lách, để “tãi” ra được mấy trăm trang viết bắt mắt lại không kém phần cuốn hút và xúc động như vậy, năng khiếu văn chương là chưa đủ mà cần sự trải nghiệm, dấn thân và chấp nhận hy sinh. Dấn thân làm khuyến học, ngay từ buổi đầu, ông Cao Văn Hà chấp nhận hy sinh nhiều thứ cả thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Ấy vậy mà đổi lại, ngoài những lời động viên cổ vũ thì có cả sự ngờ vực của không ít người bởi mô hình Khuyến học mới và Quỹ Ước mơ lớn tại Đông Tiến mà ông sáng lập và là chủ tịch danh dự chưa từng có tiền lệ. Sau gần 5 năm triển khai mô hình Khuyến học mới, người sáng lập đã trải qua biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc, từ sung sướng, dằn vặt đến cả những lúc tưởng như bất lực nhưng ông vẫn vượt qua. Mọi người cảm mến và luôn đồng hành, ủng hộ ông Hà bởi thấy ông lúc nào cũng đau đáu, hết lòng hết sức với quê hương Đông Tiến, với thôn Đông Thái và dòng họ Cao. Họ Cao là một trong 2 dòng họ khởi lập nên làng Đông Thái, tức đông đúc và thái bình, sau 140 năm dâu bể phiêu dạt từ một vùng chiêm khê mùa thối ở Hà Nam đến mảnh đất trù mật ven sông Cầu, từ phận người ngụ cư thành công dân chính thức… Đọc bài “Lời trăng trối của cha”, người đọc cảm nhận hình như ông viết bài ấy trong nước mắt khi hồi tưởng về người cha thân yêu. Ông viết: “Trước lúc lâm chung, thầy còn nói với u, dù có thế nào thì bà vẫn phải cố cho thằng Hà nó học!”. Ông viết tiếp: “Dường như thầy đã nhìn thấy tương lai của tôi với con đường học hành và thầy đã mang theo niềm tin ấy để ra đi thanh thản”. Có lẽ, từ khi ấp ủ ý định đến khi quyết tâm dấn thân làm khuyến học cho quê hương, lời căn dặn của người cha lúc nào cũng văng vẳng bên tai, tạo thành động lực và nghị lực giúp ông vững tâm và vững tin vượt mọi trở ngại? Khi thành người tiên phong khai mở và từng bước hiện thực hoá Mô hình khuyến học mới tại quê hương, ông Hà đã mường tượng rất nhiều trở ngại, nhưng càng làm thì những khó khăn vất vả càng chồng chất mà trước đó khó hình dung được. Mỗi người mỗi ý, người có tâm thì tin và mong cho sự nghiệp của ông được xuôi chèo mát mái; người lại cười khẩy bảo ông cựu Giám đốc Sở Xây dựng quê mình hình như có vấn đề, hoặc chụp mũ cho ông là về hưu lại còn thích đánh bóng tên tuổi; có chiến hữu thì thẳng thắn khuyên, ông dây vào cái đó làm gì, ôm rơm rặm bụng không cẩn thận lại lao đầu vào đá…
Ngày 23-3-2024, tại Yên Phong, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Từ giấc mơ con đến ước mơ lớn”.
Ghi nhận những ý kiến xây dựng với tinh thần cầu thị, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu nhỏ nhen, ông Cao Văn Hà vẫn kiên định con đường đã chọn, coi đó là định mệnh, là trách nhiệm đời mình. Có lần, ông thành thật trải lòng từ nhỏ đã thích đương đầu việc khó, những việc làm mà ông thấy đúng thì ông đều quyết làm bằng được. Quả thực cuộc đời hơn 40 năm công tác của ông khá sinh sắc, hơn 10 năm trong quân ngũ đã luyện cho ông tính kỷ luật; giai đoạn làm kinh doanh và rất thành công trên thương trường lại rèn cho ông tính quyết đoán; khi làm cán bộ quản lý thì vị trí lãnh đạo giúp ông có tầm nhìn xa… Tận thấy ông lăn lộn tối ngày với phong trào từ xã, thôn đến từng dòng họ và gia đình ở Đông Tiến truyền cảm hứng khuyến học, được người dân từ chỗ hồ nghi đến thấu hiểu, thấu cảm và thương mến, nên thấy ông như trẻ và khoẻ ra với bầu nhiệt huyết muốn được cống hiến lúc nào cũng hừng hực. Cảm mến ông Cao Văn Hà, gắn bó với khuyến học Đông Tiến, góp mặt trong nhiều cuộc tụ nhỏ to, như chính ông từng đề cập trong cuốn sách, không biết tự khi nào lãnh đạo Đông Tiến đã xem tôi như công dân danh dự của xã? Độc giả ấn tượng với tên gọi cuốn sách “TỪ GIẤC MƠ CON ĐẾN ƯỚC MƠ LỚN”, rất hình ảnh, rất đời, rất người nhưng cũng rất logic, tạo thành hồn cốt trong mấy trăm trang viết từ trái tim tác giả. Chính những suy nghĩ tử tế đã khiến ngòi bút của ông thêm thăng hoa, đã phát lộ trong ông khả năng văn chương qua việc chọn chữ, đặt tên đứa con tinh thần thứ 2 của mình. Điều thú vị nữa, những tưởng nội dung bao trùm cuốn sách chỉ là câu chuyện về khuyến học Đông Tiến, nhưng đối tượng tiếp cận lại khá rộng bởi nó hiện hữu trong suy nghĩ và đời sống thực tế của rất nhiều cá nhân, gia đình và dòng họ, ở nhiều địa phương. Riêng với những người làm công tác khuyến học, đây có thể là một trong những cuốn sách “gối đầu giường”, là “cẩm nang” giúp hoạt động khuyến học của họ đạt hiệu quả hơn. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ nhận định rất hay về ông kỹ sư viết văn và làm khuyến học Cao Văn Hà: “Cái tài lẫn khéo của ông Hà là từ thực tế sinh động tại địa phương, ông đã đúc rút và nâng dần lên thành lý luận về đổi mới công tác khuyến học. Nói ngắn gọn là chuyển từ mô hình khuyến học cũ, còn gọi là khuyến học hình thức, sang mô hình khuyến học mới, tức khuyến học truyền cảm hứng, đang vận dụng rất hiệu quả tại xã Đông Tiến quê ông”. Khuyến học Đông Tiến đang sống trong lòng dân khi người người cùng đồng lòng quyết chí thi đua làm khuyến học. Ông Hà đã gặp may khi ngay từ lúc thai nghén ý tưởng đã nhận được sự đồng thuận cao trước hết từ các vị lãnh đạo xã. Từ cảm hứng của lãnh đạo xã đã lan truyền mạnh mẽ đến các thôn, dòng họ và từng gia đình… Thành công bước đầu của Mô hình khuyến học mới và Quỹ Ước mơ lớn, có lẽ người sáng lập phải thầm cảm ơn và biết ơn những người có trách nhiệm ở Đông Tiến đã nâng cánh cho ước mơ, khát vọng của ông và đến bây giờ trở thành ước mơ, khát vọng của nhân dân Đông Tiến! …“Khi ta bé ta ở trong làng/Nay về già làng ở trong ta”, hai câu thơ trong bài LÀNG của nhạc sĩ Bá Quang càng như “vận” vào ông ở chặng sau cuộc đời, tuổi hưu của ông, theo góc nhìn nào đó, còn thú hơn lúc còn công tác? Mong cho những tất tả ngược xuôi của ông vì sự nghiệp khuyến học quê hương sẽ thành công và lan toả mạnh mẽ. Để trong tương lai, quê ông sẽ hiện thực hoá khát vọng GIÀU – SANG, khi ý thức vươn lên trên con đường học vấn ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân, gia đình, dòng họ trên mảnh đất Đông Tiến thân yêu…