Xác định để thúc đẩy du lịch phát triển, sự liên kết đóng vai trò rất quan trọng nhất là việc thu hút các thị trường khách mới cũng như các nguồn lực đầu tư vào du lịch để khai thác và phát triển.
Lễ hội Đồng Kỵ Xuân Giáp Thìn 2024 thu hút hàng vạn du khách trong nước và quốc tế.
Để ngành du lịch phục hồi và phát triển sau một thời gian khá dài chịu những ảnh hưởng từ dịch bệnh, cuối năm 2023, tỉnh Bắc Ninh ký kết hợp tác toàn diện trên lĩnh vực du lịch giai đoạn 2023-2030 với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trong đó, tập trung vào các nội dung: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối hợp tác công tư… Sự hợp tác này được triển khai trên cơ sở Bắc Ninh và các địa phương này đều sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn rất đa dạng, giàu giá trị. Đồng thời, cả 5 tỉnh đều có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt, với nhiều cơ sở lưu trú quy mô, có khả năng đón và phục vụ khách du lịch từ trung đến cao cấp… Do đó, cả 5 tỉnh có thể liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, sự liên kết hợp tác du lịch cũng phù hợp với định hướng của tỉnh về phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa theo hướng độc đáo; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Bắc Ninh có uy tín trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Hát Quan họ thuyền khu vực hồ nước trước Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là mô hình du lịch được các doanh nghiệp lữ hành liên kết khai thác, thu hút du khách.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng tích cực liên kết với nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Quảng Ninh, Hà Nội để quảng bá và thu hút các thị trường khách; cũng như đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam. Trong đó, việc hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong việc triển khai “Tuần lễ trải nghiệm văn hoá xứ Kinh Bắc” trên các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng được kỳ vọng mang đến những tín hiệu phát triển tích cực. Theo đó, ý tưởng thiết kế mang chủ đề “Văn hoá Kinh Bắc” với các hoạt động quảng bá văn hóa diễn ra trước chuyến bay (trải nghiệm mặt đất); trải nghiệm trên các chuyến bay, thông qua các sản phẩm như: Báo chí, giải trí, thưởng thức suất ăn, quà tặng tri ân, trò chơi sáng tạo cho trẻ nhỏ… Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hoá giữa tỉnh Bắc Ninh và Vietnam Airlines; đề xuất phối hợp tổ chức một số hoạt động như: Hát dân ca Quan họ trên các chuyến bay, lồng ghép mini game hỏi – đáp về văn hoá Kinh Bắc – Bắc Ninh, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của Bắc Ninh, trưng bày các ẩn phẩm báo chí có nội dung chuyên biệt về văn hoá Bắc Ninh tại khu vực chờ và trên máy bay, thiết kế sản phẩm lưu niệm… Từ đó, nhằm quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và thu hút du khách về với Bắc Ninh.
Rõ ràng việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch là xu hướng đang được nhiều địa phương, trong đó có Bắc Ninh tiếp cận, nhằm thực hiện có hiệu quả những giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Bởi việc liên kết với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành không chỉ giúp quảng bá và thu hút khách; mà còn là cơ hội để tỉnh ta tham vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của nhiều địa phương đang nằm trong tốp đầu của du lịch Việt Nam. Đặc biệt, sự hợp tác này không dừng lại ở cấp tỉnh, mà nó sẽ tạo ra cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp, hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Bên cạnh việc liên kết giữa các địa phương với nhau, thì việc liên kết giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân, cũng cần được quan tâm. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đóng vai trò “nhạc trưởng” kiến thiết, kiến tạo cơ chế, chính sách phát triển và nguồn lực, làm điểm tựa cho du lịch phục hồi và tăng trưởng. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vừa là đối tượng hưởng lợi từ chính sách, vừa là chủ thể đầu tư và khai thác các sản phẩm du lịch. Cộng đồng dân cư cũng vừa là đối tượng thụ hưởng lợi ích từ chính sách phát triển du lịch, vừa là một “đại sứ thiện chí” trong việc nâng cao văn hóa du lịch, tạo nên hình ảnh đẹp, văn minh, thân thiện cho điểm đến du lịch…