Ngày 28-3, huyện Gia Bình tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2020-2025.
Mô hình tích tụ ruộng đất 6,7 ha trồng Nho Hạ đen của HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương (Gia Bình) đem lại doanh thu 1,6 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 7 lao động.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Gia Bình có 24.488 hộ thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ đạt 74,45% số hộ; khối lượng rác thải hữu cơ được phân loại, xử lý tại hộ ước tính xấp xỉ 10.000 tấn. 100% các xã, thị trấn ký cam kết thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị. Các xã thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại 59 điểm tập kết, trung chuyển với phương pháp đào rác, đánh đống và phun, rắc vi sinh bản địa IMO. Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển, Gia Bình có 65 điểm tập kết rác thải sinh hoạt bằng xe gom đẩy tay ba bánh, 71 tổ, đội vê sinh làm công tác thu gom, vận chuyển rác.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ còn một số tồn tại: Quá trình nhân rộng chậm, chưa hình thành thói quen đời sống hàng ngày của người dân; việc thu, nộp phí dịch vụ thu gom, xử lý vẫn do các thôn, tổ, đội tự thực hiện…
Thời gian tới, Gia Bình tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ như sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cây trồng, thức ăn chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, ký cam kết thực hiện phân loại, xử lý rác thải; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ-HU của Đảng bộ huyện, toàn huyện Gia Bình chuyển đổi 264,4 ha (đạt 75,5% kế hoạch giai đoạn 2020-2025) đất cấy lúa sang các cây trồng khác, trong đó 131,55 ha sang trồng cây hàng năm, 101,27 ha sang trồng cây lâu năm, 31,54 ha sang nuôi trồng thủy sản. Qua chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung: Trồng rau sạch ở Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm); trồng bưởi da xanh ở Xuân Lai, Định Mỗ, Phúc Lai (xã Xuân Lai)…đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một số tổ chức cá nhân sau khi thực hiện chuyển đổi đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Đến hết năm 2025, huyện Gia Bình phấn đấu chuyển đổi thêm 131 ha, trong đó năm 2024 chuyển đổi 43,7 ha, năm 2025 chuyển đổi 87,3 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác. Huyện Gia Bình tăng cường tuyên truyền, quán triệt các nội dung, nhiệm vụ, đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, nhân rộng mô hình; tổ chức các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm; làm tốt công tác xây dựng và quản lý các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp…bảo đảm tính thống nhất. Thực hiện kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyển đổi.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và phân loại, xử lý rác thải hữu cơ được huyện Gia Bình khen thưởng.