Và cũng từ kỳ thi này, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh kết quả trung bình điểm thi 9 môn và trung bình điểm thi từng môn giữa các địa phương trong cả nước. Đây là giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch và cải tiến chất lượng và là hoạt động bình thường, được xã hội đồng thuận.
3 địa phương có trung bình điểm thi trên 7,0 điểm
Về cách thức đối sánh có 2 loại khác nhau, đó là đối sánh ngang và đối sánh dọc. Đối sánh ngang là đối sánh một chỉ số nào đó giữa các đơn vị trong một thời điểm. Ví dụ đối sánh trung bình điểm thi giữa các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT một năm là đối sánh ngang. Đối sánh dọc là đối sánh trong một đơn vị, nhưng ở những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, đối sánh thứ hạng trung bình điểm thi của một địa phương trong 5 năm là đối sánh dọc.
Trên cơ sở trung bình điểm thi trong 5 năm (2020 – 2024), chúng tôi tính bình quân trung bình điểm thi 5 năm của từng địa phương, sau đó sắp xếp theo điểm bình quân này từ lớn đến nhỏ. Nếu bình quân trung bình điểm thi bằng nhau, địa phương nào năm 2024 có thứ hạng tốt hơn sẽ xếp trước. Trong đó, Đắk Lắk, Quảng Nam và Đà Nẵng, năm 2020 do Covid-19, ba tỉnh, thành này có nhiều học sinh thi tốt nghiệp lần 2 nên không xếp hạng.
Với cách thức tính toán và sắp xếp như trên, 63 địa phương trong toàn quốc được chia thành 4 nhóm: Nhóm thứ nhất, gồm 3 địa phương có điểm bình quân 5 năm trên 7,0; nhóm thứ hai, gồm 19 địa phương có điểm bình quân từ 6,5 đến dưới 7,0; nhóm thứ ba, có điểm bình quân từ 6,2 đến dưới 6,5; nhóm thứ tư gồm 14 địa phương có điểm bình quân dưới 6,2. Lưu ý, cách phân nhóm này chỉ mang tính tương đối.
Trong đó, Bình Dương (điểm bình quân 7,079 – xếp hạng 1), Nam Định (7,066 – 2), Vĩnh Phúc (7,014 – 3), là ba địa phương dẫn đầu cả nước về trung bình điểm thi 5 năm qua.
19 địa phương có điểm bình quân từ 6,5 đến dưới 7,0
Có 19 địa phương có chất lượng giáo dục đại trà thông qua 5 kỳ thi tốt nghiệp THPT được đánh giá tốt, đó là Ninh Bình (điểm 6,983 – xếp hạng 4), Hà Nam (6,815 – 5), Hải Phòng (6,810 – 6), An Giang (6,792 – 7), Phú Thọ (6,739 – 8), Bắc Ninh (6,732 – 9); Hà Tĩnh (6,695 – 10), TPHCM (6,682 – 11), Thái Bình (6,681 – 12), Bạc Liêu (6,664 – 13), Vĩnh Long (6,650 – 14), Tiền Giang (6,637 – 15), Hải Dương (6,629 – 16); Lâm Đồng (6,599 – 17), Cần Thơ (6,575 – 18), Hà Nội (6,536 – 19), Bà Rịa – Vũng Tàu (6,523 – 20), Đồng Tháp (6,504 – 21) và Bắc Giang (6,503 – 22).
27 địa phương có điểm bình quân từ 6,2 đến dưới 6,5
Có 27 địa phương có điểm bình quân từ 6,2 đển dưới 6,5, gồm: Bến Tre (6,478 – 23), Long An (6,476 – 24), Bình Định (6,465 – 25), Nghệ An (6,462 – 26), Tuyên Quang (6,461 – 27), Lào Cai (6,458 – 28), Bình Thuận (6,454 – 29), Thừa Thiên Huế (6,430 – 30), Thanh Hóa (6,418 – 31), Tây Ninh (6,380 – 32), Hưng Yên (6,333 – 33), Bắc Kạn (6,324 – 34), Đà Nẵng (6,321 – 35), Bình Phước (6,3205 – 36), Quảng Ninh (6,306 – 37), Đồng Nai (6,293 – 38), Kon Tum (6,285 – 39), Quảng Bình (6,283 – 40), Cà Mau (6,276 – 41), Kiên Giang (6,273 – 42), Quảng Nam (6,264 – 43), Khánh Hòa (6,256 – 44), Thái Nguyên (6,251 – 45), Sóc Trăng (6,234 – 46), Yên Bái (6,228 – 47), Quảng Ngãi (6,210 – 48), Gia Lai (6,206 – 49).
14 địa phương có điểm bình quân dưới 6,2
Có 14 địa phương có điểm bình quân 5 năm dưới 6,2 điểm, gồm: Hậu Giang (6, 183 – 50), Quảng Trị (6,160 – 51), Trà Vinh (6,150 – 52), Lạng Sơn (6,149 – 53), Phú Yên (6,119 – 54), Hòa Bình (6,112 – 55), Ninh Thuận (6,079 – 56), Lai Châu (6,075 – 57), Điện Biên (6,071 – 58), Đắk Lắk (6,033 – 59), Đắk Nông (6,012 – 60), Sơn La (6,010 – 61), Cao Bằng (5,959 – 62) và Hà Giang (5,550 – 63).
Nhiều địa phương tăng hạng và tụt hạng so với năm 2020
Qua đối sánh 5 năm, có 27 địa phương năm 2024 tăng hạng so với năm 2020, 2 địa phương giữ nguyên hạng và 34 địa phương tụt hạng. Trong đó, 15 địa phương cải thiện thứ hạng rất tốt qua từng năm, tiêu biểu như: Tuyên Quang (năm 2020: 50, 2021: 31, 2022: 18, 2023: 21, 2024: 14), Nghệ An (38 – 34 – 23 – 22 – 12), Bắc Ninh (26 – 19 – 6 – 5 – 5), Bắc Giang (49 – 22 – 11 – 16 – 19), Hòa Bình (58 – 62 – 33 – 41 – 36), Phú Thọ (15 – 10 – 8 – 8 – 8), Hà Tĩnh (24 – 18 – 9 – 10 – 6), Vĩnh Phúc (9 – 5 – 2 – 1 – 1)…
Ở chiều ngược lại, có một số địa phương giảm thứ hạng qua các năm như: Bắc Kạn (23 – 33 – 39 – 44 – 48), Bạc Liêu (8 – 7 – 14 – 17 – 18), Đồng Tháp (14 – 23 – 26 – 29 – 29), Bình Thuận (19 – 21 – 32 – 31 – 33), Cà Mau (31 – 37 – 45 – 42 – 50), Tây Ninh (20 – 26 – 36 – 34 – 42), Quảng Trị (41 – 55 – 52 – 51 – 56), Bắc Kạn (23 – 33 – 39 – 44 – 48).
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục sau đối sánh
Qua thực tiễn đối sánh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 5 năm qua cho thấy đối sánh là cách tiếp cận mới và đa dạng khi áp dụng vào lĩnh vực giáo dục. Đối sánh trung bình điểm thi giữa các địa phương nhằm so sánh và đối chiếu chất lượng giáo dục của từng địa phương so với mục tiêu giáo dục phổ thông.
Đối sánh tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, là 3 môn thi bắt buộc, để biết được chất lượng giáo dục cốt lõi và đối sánh tỷ lệ trúng tuyển ĐH – nhập học theo từng địa phương để biết mức độ phân luồng sau THPT của từng địa phương. Đối sánh độ chênh lệch giữa học bạ và điểm thi để biết việc kiểm tra, đánh giá học sinh có thực chất và đúng với chất lượng học sinh hay không.
Thực tế, 5 năm qua nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp để cải thiện thứ hạng của mình. Do đó, đối sánh còn tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Cái cốt lõi và lợi ích thiết thực của đối sánh được thể hiện ở hai vấn đề chính, là xác định những yếu tố thành công của địa phương khác; và hiểu biết rõ ràng, đầy đủ về những hạn chế của chính mình để không ngừng cải tiến và xây dựng văn hóa chất lượng.
Trên cơ sở đối sánh trung bình điểm thi của từng địa phương qua 5 năm (2020 – 2024), các địa phương cần xem xét, đánh giá, chẩn đoán những nguyên nhân giúp đơn vị mình thành công hay chưa đạt yêu cầu trong nhiều năm. Cần phân tích nhiều khía cạnh, từ hướng nghiệp phân luồng sau THCS, tuyển sinh lớp 10 THPT, đến đổi mới dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh, tỷ lệ học sinh đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội hay Khoa học tự nhiên, chất lượng đội ngũ nhà giáo…
Từ đó, sẽ hiểu sâu sắc, rõ ràng hơn về thực trạng chất lượng giáo dục của địa phương mình. Khi đã hiểu được đầy đủ, rõ ràng, của địa phương, của từng trường sẽ có giải pháp tốt hơn để nâng cao chất lượng. Đồng thời, các địa phương cần học hỏi sự thành công của địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội giống mình.