Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn: Báo Bắc Ninh) |
Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được ghi danh đến nay đã được 15 năm. Trong suốt thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng quan họ gốc, phát triển các làng quan họ thực hành, thành lập nhiều câu lạc bộ quan họ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, câu lạc bộ dân ca quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ dân ca quan họ Bắc Ninh…
“Trên địa bàn tỉnh hiện có 44 làng quan họ gốc, 150 làng quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ dân ca quan họ, với hàng chục nghìn người ở các độ tuổi tham gia; trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy.
Các đại biểu được thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sum họp trúc mai”. (Nguồn: Báo Bắc Ninh) |
Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài đã có hàng trăm câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Điều đó cho thấy, Dân ca Quan họ Bắc Ninh càng danh thơm nức tiếng và có sự lan tỏa mạnh mẽ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin.
Có được thành quả hôm nay, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, ông Vương Quốc Tuấn cho rằng, đó là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cộng đồng các làng Quan họ; công tác tham vấn, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước, của những chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh và đặc biệt là vai trò to lớn của các nghệ nhân Dân ca Quan họ – những “Báu vật nhân văn sống” đã thực hiện tốt sứ mệnh bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa độc nhất vô nhị của quê hương Kinh Bắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ là minh chứng cho giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy di sản này. (Nguồn: Báo Bắc Ninh) |
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh vui mừng cho biết, cách đây chỉ vài giờ, Quốc hội vừa bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó có quy định lấy “Ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”.
Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương về quê hương quan họ dự Lễ kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ là minh chứng cho giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy di sản này. Dân ca Quan họ không chỉ sống mãi trong đời sống của người dân Bắc Ninh mà còn lan tỏa sâu rộng, góp phần khẳng định giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đất nước ta trên bản đồ văn hóa thế giới.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương tâm huyết, trách nhiệm và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục dành sự quan tâm xứng đáng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân quan họ, nhất là những nghệ nhân tuổi cao sức yếu.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng các hình thức truyền dạy cho thế hệ trẻ, xây dựng lớp nghệ nhân kế cận; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ Quan họ măng non, phát huy vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân, liền anh, liền chị trong việc trao truyền và duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lan tỏa không gian quan họ tới học sinh, sinh viên, trong cán bộ, công chức, người lao động và các đội văn nghệ cơ sở.
“Với tình yêu và niềm tự hào đối với bản sắc văn hóa dân tộc, bằng tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm hành động, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư, các nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục chung sức bảo tồn, gìn giữ, không ngừng phát huy giá trị để Quan họ Bắc Ninh nói riêng và các di sản văn hóa nói chung tiếp tục được trao truyền, lan tỏa, đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp vốn có, góp phần để những giá trị tốt đẹp, bất biến của nền văn hóa Việt Nam mãi tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tin tưởng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng trao tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 2 cá nhân tỉnh Bắc Ninh có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh; 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng.
Ngay sau phần lễ, các đại biểu được thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Sum họp trúc mai.
Chương trình đã xâu chuỗi, kể cho khán giả một câu chuyện với đa dạng cung bậc cảm xúc về Dân ca Quan họ Bắc Ninh, mối kết giao thân tình giữa Dân ca Quan họ Bắc Ninh với các loại hình dân ca đặc trưng các vùng miền trong cả nước như: Ví – Giặm, nghệ thuật Đờn ca tài tử qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.