2 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 7.880 tỉ đồng, bằng 25% dự toán năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 6.542,6 tỉ đồng, bằng 27% và tăng 9,4%; thu từ hải quan ước 1.336,4 tỉ đồng, tăng hơn 22,6% so cùng kỳ. Trong thu nội địa, một số khoản thu có tỷ lệ thực hiện dự toán và tốc độ tăng cao so với cùng kỳ là: Thu phí, lệ phí bằng 42,1% và tăng 10,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng 39,2% và tăng 11%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương bằng 38,5% và tăng 26,1%…
2 tháng đầu năm, thu ngân sách từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước địa phương tăng cao so cùng kỳ năm trước.
Cùng thời gian, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt hơn 2.040 tỉ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 807,6 tỉ đồng; chi thường xuyên ước đạt 1.227,5 tỉ đồng. Các nhiệm vụ chi được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và bảo đảm các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp xã hội từ ngân sách Nhà nước… Đây là tín hiệu tích cực và làm tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2024.
Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta nói chung, Bắc Ninh nói riêng. Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi NSNN đòi hỏi các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Ông Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Ngay từ đầu năm, Sở Tài chính yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở, phòng Tài chính các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt việc giao dự toán, nhập và phân bổ dự toán cho các đơn vị; bảo đảm kịp thời chi lương, chi an sinh xã hội. Trong quá trình triển khai, điều hành, thường xuyên rà soát, đôn đốc các đơn vị hàng tháng, quý, kịp thời xử lý ngân sách, tránh dồn chi vào cuối năm và thu hồi kinh phí; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác dự báo thu, chi để chủ động điều hành trong trường hợp hụt thu. Phối hợp Kho bạc Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp chấn chỉnh việc chậm nộp hồ sơ quyết toán; tồn dư tạm ứng chuyển nguồn nhiều năm. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, NSNN; kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công, quản lý sử dụng tài sản, NSNN…”.
Ngành Thuế, Hải quan cũng tập trung cao cho công tác thu các sắc thuế; hỗ trợ doanh nghiệp kê khai, nộp thuế đúng quy định của pháp luật; bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Về công tác thu nợ thuế, Cục Thuế phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên gắn với từng doanh nghiệp, coi đây là tiêu chí đánh giá, chấm điểm người đứng đầu, cán bộ thuế; hằng tháng họp với các đơn vị đánh giá tiến độ thu, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực thu, từng sắc thuế để điều hành thu kịp thời khoản thuế phát sinh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kê khai và kế toán thuế để tránh thất thu. Cục Thuế tập trung làm tốt công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử. Triển khai hóa đơn điện tử; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng…