Đến với nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ, công chúng có dịp tìm hiểu đầy đủ về các quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in… dòng tranh nổi tiếng này.
Ngày 16/4, doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tổ chức khánh thành nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ.
Đây là nhà trưng bày tư nhân về dòng tranh dân gian đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Đến với nhà trưng bày tranh, công chúng có dịp tìm hiểu đầy đủ về quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in tranh Đông Hồ. Đồng thời, đây cũng là không gian lưu giữ những ký ức, tư liệu về bảo tồn di sản văn hóa của gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế và làng Đông Hồ.
Du khách tham quan, tìm hiểu tranh dân gian Đông Hồ tại khu trưng bày. Ảnh: T.Hùng
Khu trưng bày tại nhà tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế được sắp xếp theo 7 chủ đề chính. Trong đó, các hiện vật trưng bày đã làm nổi rõ dấu ấn dòng tranh Đông Hồ, xưa là nơi giao lưu mua bán tranh vào dịp Tết; lịch sử dòng họ Nguyễn Đăng theo nghề làm tranh từ thế kỷ XVI.
Ngoài ra là các phần trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế; trưng bày quy trình sản xuất, vẽ và in tranh dân gian Đông Hồ…
Sự kiện khai trương Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ, phục hồi nghề thủ công truyền thống độc đáo của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc, góp phần bảo tồn, lưu giữ, trao truyền, lan tỏa giá trị tinh hoa của nghề làm tranh truyền thống.
Tranh dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ XVI-XVII và phát triển mạnh cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Dòng tranh này gắn bó và thể hiện sinh động đời sống xã hội nông nghiệp Việt Nam cổ truyền với các phong tục, tập quán sinh hoạt. Dựa vào nội dung, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ được chia thành các loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Các công đoạn làm tranh (sáng tác mẫu, khắc ván in, làm màu, in tranh…) đều được thực hiện thủ công. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012. |