Powered by Techcity

Quản lý lễ hội truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa hiện nay

Lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với cộng đồng, sự biến đổi của lễ hội qua thời gian là một quy luật tất yếu. Trong bối cảnh ở Bắc Ninh hiện nay, sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự chuyển giao lễ hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối tiếp từ thế hệ tạo dựng văn hóa sang thế hệ duy trì và bảo tồn văn hóa cần có phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả hơn.

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn) – Ảnh:  bacninh.gov.vn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 500 lễ hội diễn ra vào các mùa trong năm, phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố, cụ thể: thị xã Thuận Thành (86 lễ hội), huyện Lương Tài (80 lễ hội), thị xã Quế Võ (73 lễ hội), huyện Gia Bình (36 lễ hội), thành phố Bắc Ninh (84 lễ hội), huyện Yên Phong (63 lễ hội), huyện Tiên Du (63 lễ hội) và thành phố Từ Sơn (50 lễ hội).

Trên toàn tỉnh có 3 địa phương không có lễ hội đó là: thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình); phường Vệ An và Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh). 3 địa phương này được thành lập mới trên cơ sở một phần đất và dân cư của các xã, phường khác nhau. Có 5 xã, phường chỉ có 1 lễ hội là: phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) có lễ hội Đọ Xá; phường Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) có lễ hội Đồng Kỵ; phường Yên Phụ (huyện Yên Phong) có lễ hội Yên Phong; thị trấn Lim (huyện Tiên Du) có lễ hội Lim vốn là hội chung của 3 làng Lũng Giang, Lũng Sơn và Duệ Đông; xã Phật Tích (huyện Tiên Du) mặc dù có 5 thôn (Cổ Miếu, Ngô Xá, Phật Tích, Phúc Nghiêm, Vĩnh Phú) nhưng hiện nay chỉ có 1 lễ hội là hội chùa Phật Tích. 3 xã có nhiều lễ hội nhất là xã Phú Hòa (huyện Lương Tài) với 13 lễ hội; xã Xuân Lai (huyện Gia Bình) có 11 lễ hội; xã Trung Chính (huyện Lương Tài) có 18 đơn vị thôn/ làng khác nhau, hiện có 10 lễ hội (1). Những số liệu dẫn ra trên đây từ góc nhìn quản lý văn hóa cụ thể hơn là quản lý lễ hội, vấn đề về nguồn lực trong đó bao gồm nguồn nhân lực, tài lực và vật lực cần phải cân đối phù hợp, hợp lý các điều kiện để đáp ứng nhu cầu và phấn đấu hiệu quả của từng đơn vị, từng cấp quản lý.

Bắc Ninh trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa hiện nay

Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Những yếu tố thuận lợi về địa lý, những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo cơ chế hỗ trợ đặc thù, đã giúp Bắc Ninh trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Foxconn, Fushan Technology… Cùng với đó, tại các làng nghề cũng tiến hành quy hoạch khu công nghiệp làng nghề. Tại các khu/ cụm công nghiệp làng nghề, người dân đã dần tách nơi sản xuất, tiêu thụ/ bán sản phẩm ra khỏi nơi ăn ở, sinh hoạt tạo ra một diện mạo mới cho các làng nghề ở Bắc Ninh trong những năm gần đây. Thực tế hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế nói chung. Chính hiệu quả từ thực tiễn đã đưa Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp thu hút nguồn vốn và các đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 4-2020, Bắc Ninh thu hút 1.566 dự án đầu tư FDI với tổng số đăng ký hơn 19 tỷ USD (2).

Bên cạnh sự phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn diễn ra trên nhiều phương diện, ngành nghề khác nhau. Ở Bắc Ninh cũng đồng thời diễn ra quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn. Trong định hướng phát triển, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bắc Ninh tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng: tăng cường liên kết, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng phục vụ sản xuất. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.

Bên cạnh đó, đô thị hóa ở nước ta thực sự phát triển mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới (1986), là yếu tố trung tâm trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. “Đô thị là nơi có nhịp độ phát triển nhanh nhất, năng động, văn minh của đất nước nhưng cũng chứa đựng những vấn đề phức tạp” (3). Quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh trong 10-15 năm nữa. Từ năm 2020-2025 dự kiến 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị (4).

Đô thị hóa sẽ dẫn đến những thay đổi rõ rệt cụ thể như: cuộc di cư từ nông thôn ra thành phố diễn ra khá mạnh mẽ, dẫn đến mật độ dân cư/ dân số tăng nhanh rõ rệt và nguyên nhân thúc đẩy sự di cư này là do kinh tế. Hầu hết các nhà kinh tế học, xã hội học đều cho rằng hiện tượng di cư từ nông thôn ra thành thị không chỉ bởi lực đẩy quen thuộc từ nơi xuất cư – thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp mà còn bởi lực hút từ những nơi nhập cư – cơ hội việc làm có tính ổn định, thu nhập cao hơn so với nơi cũ.

Đô thị hóa sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số. Cơ cấu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng xét về việc làm có thể nhận rõ các thành phần tham gia vào các loại hình kinh tế khác nhau. Nhìn tổng thể cho thấy số lượng dân cư trong lĩnh vực nông nghiệp giảm đi đáng kể và tăng số lượng công nhân trong các khu công nghiệp và các ngành nghề khác trong đó có dịch vụ công cộng.

Bắc Ninh đang trong quá trình đô thị hóa, xây dựng các yếu tố nền tảng tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đại biểu Đảng Bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định rõ nhiệm vụ: 1) Quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; 2) Công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp, công nghệ cao của cả nước; 3) Thương mại dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại thu hẹp khoảng cách giữa thị trường khu vực, thành thị và nông thôn; 4) Nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với đẩy mạnh nông thôn mới; 5) Hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm chú trọng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh; 6) Đầu tư quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai đồng bộ, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, gắn với công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh hiện đại, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh hiện đại, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Trên thực tế hiện nay, về cơ cấu hành chính tỉnh Bắc Ninh đã có những thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây Bắc Ninh có 1 thành phố và 7 huyện đến nay Bắc Ninh đã có 2 thành phố là thành phố Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn và 2 thị xã là thị xã Quế Võ và Thuận Thành, chỉ còn 4 huyện (Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du) (5).

Quá trình đô thị hóa diễn ra thông qua việc mở rộng thành phố Bắc Ninh, sáp nhập nhiều đơn vị cấp xã của các huyện lân cận, mở rộng địa giới một số thị trấn huyện lỵ. Quá trình đô thị hóa còn diễn ra thông qua việc đổi cấp quản lý hành chính nông thôn từ huyện thành thị xã rồi thành thành phố (như trường hợp Từ Sơn)… Quá trình hiện đại hóa nông thôn khiến nông thôn Bắc Ninh từng bước tiệm cận với đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư nâng cấp theo phương châm xã hội hóa. Nhà nước và nhân dân cùng làm, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt tiêu chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi khá mạnh mẽ diện mạo của các vùng nông thôn về kết cấu hạ tầng cơ sở, về cung cách sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Các hoạt động văn hóa hướng tới việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân được phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Những thay đổi trong lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến các mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Ninh, trong đó lễ hội truyền thống.

Thứ nhất, nội dung phản ánh tín ngưỡng và đời sống sản xuất của cư dân nông nghiệp trong lễ hội có sự thay đổi. Lễ hội truyền thống vốn có nguồn gốc xuất phát từ đời sống cư dân nông nghiệp, nội dung ít nhiều phản ánh quá trình sản xuất, ước vọng của người nông dân với những nghi thức như cầu mùa, cầu mưa… Những lớp tín ngưỡng trong lễ hội phản ánh đời sống tâm linh của người nông dân với việc phụng thờ các vị thần Thành hoàng gắn với sản xuất nông nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa đã làm thay đổi cấu trúc sản xuất kinh tế của địa phương với những ngành nghề mới không gắn với sản xuất nông nghiệp. Vai trò phản ánh tín ngưỡng trong lễ hội phai nhạt dần do quá trình chuyển đổi sản xuất. Những nội dung cầu mùa, nghi thức như rước nước với ý nghĩa gắn với sản xuất nông nghiệp dần dần mờ nhạt. Các tập tục, lễ hội vẫn được duy trì, nhưng ý nghĩa của các nghi thức không còn được người dân hiểu biết cặn kẽ như trước. Từ đó, nhiều nghi thức bị giản lược hay cắt bỏ và thay thế bằng các nghi thức mới. Hầu hết lễ hội truyền thống ngày nay đều xuất hiện các nghi thức mang tính hành chính như giới thiệu đại biểu tham dự là đại diện chính quyền, nghi thức đọc diễn văn…

Thứ hai, thời gian diễn ra lễ hội bị tác động mạnh mẽ. Lễ hội truyền thống có thời gian tổ chức gắn với thời gian lao động sản xuất của người nông dân trong các làng quê Việt Nam, thường được tổ chức vào dịp nông nhàn. Chu trình sản xuất công nghiệp với chuỗi sản xuất dây chuyền khép kín khiến cho công nhân ít có thời gian rỗi để tham gia hội làng. Thêm nữa, hội làng truyền thống được tổ chức cố định theo âm lịch. Ngày lễ hội rất ít khi trùng vào ngày nghỉ của công nhân, vì vậy, hội làng không còn thu hút được đông đảo sự tham gia của dân làng như trước.

Thứ ba, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã làm thay đổi chủ thể tổ chức lễ hội từ người cư trú tại các làng xã thành các thị dân cư trú trong các đô thị mới. Những thay đổi về hình thức nhóm cộng đồng cư trú kéo theo thay đổi trong phong tục tập quán tốt đẹp (tình làng, nghĩa xóm; quan hệ trong họ ngoài làng…). Ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng vốn đề cao tính đoàn kết thay vào đó là một quan hệ xã hội rộng hơn, phức tạp hơn, phù hợp với xã hội mở cửa hiện nay. Sự thay đổi cơ cấu dân cư trong các làng quê ở Bắc Ninh tác động đến cộng đồng chủ thể lễ hội, quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi số lượng người lao động đông đảo, riêng tỉnh Bắc Ninh không thể đáp ứng được mà còn có lao động từ các tỉnh khác tới. Theo số liệu của ngành Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, riêng Bắc Giang đã có tới 250.000 lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Số lượng khá đông công nhân ở trọ nhà dân xung quanh các khu công nghiệp, sinh sống cùng với gia đình của người dân, tham gia vào các hoạt động chung về văn hóa. Trong các lễ hội gần khu công nghiệp, thành phần tham dự lễ hội có khá nhiều công nhân, họ là những người ở độ tuổi còn trẻ, tham gia lễ hội, thực hành các nghi lễ để bày tỏ lời cầu xin với thần linh. Có thể ở một góc độ nào đó, khi đến ở một nơi mới, công nhân các khu công nghiệp trước hết muốn bày tỏ lòng thành kính với vị thần mà cộng đồng địa phương tôn thờ, mặt khác họ cũng bày tỏ lời cầu mong được làm ăn thuận lợi và luôn được bình an. Tuy nhiên, nhóm cộng đồng dân cư mới này khi tham dự lễ hội không phải với ý thức chủ động, họ không hoàn toàn hiểu biết về những nghi lễ, truyền thống của lễ hội.

Thứ tư, thay đổi không gian tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống xưa kia diễn ra trong không gian làng xã với trung tâm là di tích lịch sử văn hóa. Không gian làng với đường làng, ngõ xóm dù nhỏ, hẹp nhưng luôn thông thoáng cho các hoạt động lễ hội, trong đó có những đám rước. Cổng làng, bến nước, sân đình là những địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa gắn với lễ hội. Quá trình đô thị hóa làm xuất hiện những thiết chế đô thị mới như nhà văn hóa, vỉa hè, đèn đường… rất cần thiết cho sinh hoạt hiện đại. Nhưng đồng thời, nhiều khoảng không gian công cộng trong làng, vốn là nơi tổ chức lễ hội nay bị thu hẹp: bến nước, giếng làng bị san lấp để lấy địa điểm xây dựng, cây cối cổ thụ trong làng bị chặt phá để nhường chỗ cho nhà cao tầng, đường làng có nơi được mở rộng thông thoáng hơn nhưng hầu hết là bị thu hẹp lại do quá trình xây dựng người dân tận dụng hết mọi khoảng không gian thậm chí còn tình trạng lấn chiếm không gian công cộng. Tất cả điều này đã thu hẹp không gian tổ chức lễ hội, gây cản trở cho các nghi thức truyền thống.

Một số vấn đề cần quan tâm trong tổ chức và quản lý lễ hội ở Bắc Ninh hiện nay

Một là, cần thực hiện quy hoạch không gian bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa và không gian tổ chức lễ hội. Di tích chính là không gian thiêng diễn ra lễ hội, là nơi thực hành các nghi thức của cộng đồng cư dân đối với thần linh đã được tôn thờ trong lịch sử. Tuy nhiên, đối với lễ hội, không chỉ có không gian thiêng mà còn có không gian tự nhiên nơi diễn ra các trò chơi, trò diễn, diễn xướng dân gian, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, khi tổ chức lễ hội cần có không gian phục vụ các dịch vụ, cụ thể như nơi gửi xe, nơi quy hoạch bày bán các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp, nơi tổ chức các dịch vụ ăn uống, y tế… Chính vì vậy, quy hoạch cho di tích và lễ hội phải được quan tâm, hoặc đi trước, hoặc đi cùng với quy hoạch đô thị, điều đó sẽ đáp ứng đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững về không gian cảnh quan cho di tích và lễ hội.

Hai là, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để nghiên cứu từng lễ hội, xác định mô hình tổ chức trên cơ sở xác định lễ hội ở cấp độ quản lý nào, cần có kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước công nhận là di sản phi vật thể quốc gia (trường hợp ở Bắc Ninh hiện đang làm hồ sơ lễ hội Lim). Theo ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa, trong tương lai sẽ có kế hoạch làm hồ sơ cho các lễ hội như lễ hội Phật Tích, đền Đô…

Ba là, thành phần dân cư tham dự lễ hội ngày càng đông, nhiều thành phần, cần phải có phương án cho công tác quản lý lễ hội. Các cơ quan quản lý cùng cộng đồng cần phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể ở các nội dung như:

Kế hoạch quản lý nguồn nhân lực trong lễ hội, khách tham dự, tham quan lễ hội (trong nước và quốc tế), vấn đề này nhận thấy rõ ở lễ hội Lim, hội làng Diềm…

Kế hoạch tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội diễn ra đúng với phong tục tập quán của người dân địa phương.

Kế hoạch tổ chức đảm bảo tốt các hoạt động dịch vụ trong lễ hội. Trong đó bao gồm các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, phân luồng giao thông, dịch vụ y tế… Cũng cần có số lượng khách tham dự lễ hội theo dự báo của Ban Tổ chức để các hoạt động dịch vụ phù hợp với số lượng khách dự lễ hội.

Kế hoạch cụ thể về các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các hoạt động diễn xướng dân gian cần được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, cũng có thể lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ hiện đại có ý nghĩa phù hợp với giới trẻ hiện nay.

Trong xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội cần thiết lồng ghép quảng bá các sản phẩm nông nghiệp riêng có của tỉnh Bắc Ninh tiêu biểu như bánh phu thê, bánh tẻ, bánh khúc, giò chả…; các sản phẩm thủ công nghiệp như đồ gỗ (Phù Khê, Kim Thiều); gốm Phù Lãng, giấy Châu Khê, tranh Đông Hồ (Thuận Thành); đồ đồng làng nghề Đại Bái… để quảng bá, phát triển thương mại góp phần phát triển kinh tế cho cộng đồng. Nếu như trước đây các sản phẩm của địa phương còn ít người biết đến, cho tới nay thành phần và khách dự lễ hội đông lên rất nhiều, sức mua và sự quảng bá sẽ có hiệu quả rõ rệt. Sự gắn kết giữa văn hóa và kinh tế sẽ đảm bảo được tính bền vững về kinh tế cho người dân địa phương và xã hội. Trên đây là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi về những vấn đề cần quan tâm trong tổ chức, quản lý lễ hội ở Bắc Ninh hiện nay. Sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến lễ hội đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng cần có sự phối hợp trên nhiều phương diện để tổ chức và quản lý lễ hội đạt được hiệu quả cao.

______________

1. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo kết quả điều tra khảo sát di sản văn hóa lễ hội truyền thống tỉnh Bắc Ninh năm 2020.

2. Hiệu quả thu hút FDI ở Bắc Ninh, skhdt.bacninh.gov.vn, 18-5-2020.

3. Phạm Quỳnh Chinh, Văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng hiện nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr.15.

4. Vũ Hiệp, Đô thị hóa góc nhìn từ những nơi chốn, Nxb Xây dựng, 2016, tr.3.

5. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025.

Ths NGÔ THỊ BÍCH KHUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

Nguồn

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Bắc Ninh: Thúc đẩy hợp tác công nghệ xanh

Dòng vốn FDI vào Bắc Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút, các tập đoàn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn… cho thấy một thành công lớn của tỉnh. Một góc KCN Yên Phong, Bắc Ninh. Dòng vốn FDI Bắc Ninh duy trì đà tăng trưởng mạnh Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng...

Khơi niềm đam mê bóng đá trong thiếu niên, nhi đồng

Cùng với hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao dành cho thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè, Giải bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh cúp Truyền hình năm 2024 sẽ là điểm nhấn, tạo sân chơi bổ ích cho những cầu thủ nhí và những cổ động viên yêu thích môn thể thao vua này. Diễn ra từ ngày 10 đến 17-7 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, Giải bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng không...

Bắc Ninh: Tăng trưởng kinh tế có nhiều khởi sắc

Ngày 5/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX tổ chức Hội nghị lần thứ 21 đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Ninh tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2023. Theo báo cáo tại Hội nghị, tăng trưởng kinh...

Bắc Ninh: Tiên phong trong hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Ngày 28/6, tại Kỳ họp thứ 17 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 10 nghị quyết chuyên đề quan trọng, đánh dấu những bước tiến mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và phúc lợi xã hội của tỉnh. Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, UBND tỉnh chỉ đạo...

Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn thực hiện đạt khoảng 10,84 tỷ USD. Theo số liệu vừa được công bố sáng 29-6, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong...

Cùng chuyên mục

Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức Tết Trung thu và tặng quà cho thiếu niên, nhi đồng

(BTV) Nhân dịp Tết Trung thu năm 2024, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động đón Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Kịp thời động viên, khích lệ các cháu ra sức phấn đấu, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi sau này góp sức xây dựng nước nhà. Đồng thời, tặng...

Khai mạc Giải vô địch bóng chuyền tỉnh bắc ninh Cúp Bông lúa vàng năm 2024

(BTV) Sáng 16/9, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức khai mạc Giải vô địch bóng chuyền tỉnh Bắc Ninh Cúp Bông lúa vàng năm 2024. Ban...

Khai mạc trưng bày “Dân ca Quan họ Bắc Ninh

(BTV) Thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vừa qua, tại Bảo tàng Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc trưng bày chuyên đề “Dân ca Quan họ Bắc Ninh...

Tập huấn Hướng dẫn viên chương trình “Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ”

(BTV) Sáng 4/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Bắc Ninh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh tập huấn “Chương trình làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ” giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. ...

Bắc Ninh phấn đấu đạt từ 15 Huy chương Vàng trở lên tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X

(BTV) UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) các cấp tỉnh Bắc Ninh lần thứ X, năm 2025 – 2026, với mục tiêu 100% các xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện. ...

Khai mạc Trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội”

(BTV) Sáng 31/8, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam khai mạc Trưng bày " Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội" năm 2024. ...

Chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

(BTV) - Tối 30/8, tại hồ Vua Bà (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền với chủ đề "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người". Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm...

Khai mạc Hội thi thả chim bồ câu bay năm 2024

(BTV) Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 02/9, sáng 30/8, tại khu vực Công viên Hồ điều hòa Văn miếu (thành phố Bắc Ninh), Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức khai mạc Hội thi thả chim bồ câu bay năm 2024. Dự khai mạc, có...

100% các trường có Câu lạc bộ Thể dục thể thao

(BTV) Với mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện về Đức- Trí-Thể-Mỹ; Bên cạnh dạy, học văn hóa, ngành GD&ĐT Bắc Ninh cũng luôn coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh có CLB Thể dục, thể thao (TDTT). ...

Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Từ Sơn trong giai đoạn hiện nay”

(BTV) Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập huyện nay là thành phố Từ Sơn, sáng 28/8, UBND thành phố Từ Sơn tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Từ Sơn trong giai đoạn hiện nay". Dự hội thảo có hơn 200 đại...

Tin nổi bật

Tin mới nhất