Phấn đấu trở thành thành phố đáng sống, bên cạnh phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thành phố Từ Sơn chú trọng phát huy thế mạnh du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của hàng trăm di sản văn hoá, lịch sử, cách mạng trên địa bàn.
Cô và trò trường Tiểu học Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) dâng hương, thăm quan tại Đền Đô.
Một ngày cuối tuần tháng 3, Đền Đô thuộc khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn) đón hơn 2000 lượt học sinh, du khách (đa phần là các bạn đoàn viên thanh niên) đến dâng hương tưởng nhớ công ơn các vị vua triều Lý. Đã từ lâu, Đền Đô cùng hệ thống các di tích lịch sử, các mạng trên địa bàn thành phố Từ Sơn như: khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (phường Phù Khê); Khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự (phường Tam Sơn); Đình làng Đình Bảng, Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo, Nhà cụ Đám Thi (phường Đình Bảng), cụm di tích Đình, đền, chùa Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ)… trở thành điểm đến thăm quan, du lịch, giáo dục truyền thống được nhiều nhà trường, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và các địa phương lân cận lựa chọn. Là vùng đất văn hiến, địa linh, nhân kiệt, thành phố Từ Sơn có số lượng lớn các di tích lịch sử văn hoá từ thời Hùng Vương, các vương triều Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến các di tích cách mạng kháng chiến. Thống kê trên địa bàn hiện có gần 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 80 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cùng hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch. Tiêu biểu như cụm di tích lịch sử văn hoá Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua triều Lý, được xếp hạng cấp Quốc gia, đình làng Đình Bảng, đình chùa Đồng Kỵ, chùa Tiêu – Tương Giang, đền Đầm… Đặc biệt, trên địa bàn thành phố còn có một hệ thống nhà tưởng niệm các đồng chí lãnh tụ của Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam như: khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lưu niệm lãnh tụ cách mạng năm 1988); Khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo. Hay di tích lịch sử cách mạng: Nhà cụ Đám Thi (phường Đình Bảng) là nơi năm 1945 Thường vụ Trung ương Đảng họp và đề ra chỉ thị quan trọng “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đó là mệnh lệnh đặc biệt quan trọng để Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến tới tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, năm 1979 ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá. Cách đó không xa là đình làng Đình Bảng là nơi hoạt động cách mạng giai đoạn 1939 – 1954 và đã 2 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm (ngày 13-9-1945 và ngày 4-2-1946).
Nghi thức “Dô ông Đám” tại lễ hội làng Đồng Kỵ thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách tham gia.
Gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng và bảo tồn di sản văn hoá, trong 3 tháng đầu năm, thành phố Từ Sơn đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong nước, quốc tế. Đặc biệt là phối hợp tổ chức thành công chương trình đón Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn nữ Đại sứ, trưởng Đại biện, các cơ quan đại diện tổ chức quốc tế về thăm, du xuân tại Cụm di tích lịch sử, cách mạng Đình, đền chùa Đồng Kỵ. Cùng với đó, phối hợp ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức thành công hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và du khách. Tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách, tạo các sản phẩm độc đáo, khác biệt phù hợp với thị trường. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người, tiềm năng thế mạnh của Bắc Ninh nói chung, thành phố Từ Sơn nói riêng tới bạn bè trong nước và quốc tế. Để tiếp tục phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị của các di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng, thời gian tới, thành phố Từ Sơn triển khai quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, phát huy giá trị của hàng trăm lễ hội truyền thống, nơi hội tụ các sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của nhân dân, phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục, tập quán mà thông qua đó bày tỏ lời cảm ơn đối với trời, đất, thần, nước, người có công với làng, với đất nước và cầu mong có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc được các địa phương trong thành phố tổ chức. Tiêu biểu như hội rước pháo Đồng Kỵ (mùng 4 tháng Giêng âm lịch), Hội Đền Đô (15 tháng 3 âm lịch), Hội Chùa Tiêu (Tương Giang)… Phát huy giá trị kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc với những làn điệu quan họ, hát tuồng, chèo… mượt mà, đằm thắm. Gắn với quảng bá, phát triển tiềm năng du lịch tại các làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc; nghề dệt Tương Giang, chạm khảm Đình Bảng, Tân Hồng và các đặc sản ẩm thực nổi tiếng như bánh phu thê Đình Bảng; làm giò chả, bún, bánh dày Tân Hồng… Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể nêu trên đang được thành phố Từ Sơn và các phường khai thác hiệu quả nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Thành phố thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.