Ngày 21/11 tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Bắc Bộ.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, dân số khoảng hơn 17 triệu người, gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Đông Bắc có điều kiện thiên nhiên, vị trí địa lý và nền văn hóa khác biệt, đây là yếu tố thu hút khách du lịch các tỉnh phía Bắc đến với Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Do đó, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long rất chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là đối với thị trường du lịch tại miền Bắc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Hoàng Sum- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Trà Vinh chia sẻ, với những đặc trưng riêng, ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, mice, văn hóa – lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp…là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua hội nghị, các tỉnh, thành miền Bắc và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch, thường xuyên trao đổi, chia sẽ thông tin tình hình phát triển du lịch giữa các địa phương; liên kết, hợp tác trong quảng bá, xúc tiến du lịch; kết nối tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng; có chính sách ưu đãi, kích cầu du lịch giữa ĐBSCL và các tỉnh, thành miền Bắc để thu hút khách du lịch.
Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 6 vùng được quy hoạch phát triển du lịch của cả nước với thế mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng… sẽ là những khác biệt để bổ trợ, tăng cường liên kết, hợp tác hiệu quả giữa du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc.
Theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, việc tăng cường liên kết hợp tác trong xây dựng các những tour, tuyến du lịch nội vùng, liên vùng với những sản phẩm chọn lọc, trọng điểm sẽ tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch các vùng. Quảng Ninh và các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng sông Hồng sẽ kết nối với đồng bằng Tây Nam Bộ tạo ra một gói sản phẩm hấp dẫn, độc đáo. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam có trách nhiệm cùng với đồng bằng sông Cửu Long với Cần Thơ với Quảng Ninh để xây dựng ra một chuỗi sản phẩm phát triển du lịch và từ đó mang tầm giá trị của Việt Nam lên trường quốc tế.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và các doanh nghiệp du lịch đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh du lịch, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, xúc tiến, quảng bá phát triển hoạt động du lịch. Dịp này, tỉnh Trà Vinh cũng trao ủng hộ 500 triệu đồng góp phần giúp nhân dân Quảng Ninh khắc phục hậu quả cơn bão số 3.