Gần 1.000 hộ dân, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc Khmer, ấp Biển Đông B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) ấn tượng không chỉ bởi là địa bàn có đông hộ Khmer đạt chuẩn văn hóa nhiều năm liền, mà còn có nhiều điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Một con đường của ấp Biển Đông B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) được một hộ dân trong ấp hỗ trợ hệ thống đèn chiếu sáng.
Ảnh: C.T
Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Con đường liên xã nối dài từ xã Vĩnh Trạch qua xã Vĩnh Trạch Đông mùa này đẹp hơn bởi những cánh đồng hoa thì là đang mùa nở rộ. Càng gần đến khu trung tâm xã thì những họa tiết đầy màu sắc của khu chánh điện chùa Xiêm Cán càng hiện lên nguy nga, được bao bọc bởi bức tường rào chạm trổ nhiều hoa văn đặc trưng của văn hóa Khmer. Khuôn viên chùa mở ra trước mắt chúng tôi với nhiều cây sao, cây dầu cao vút thẳng hàng. Chùa Xiêm Cán tọa lạc tại ấp Biển Đông B, một công trình kiến trúc nổi bật cũng là nơi tổ chức các lễ hội hằng năm của người Khmer.
Xã Vĩnh Trạch Đông, đặc biệt là ấp Biển Đông B khi “sở hữu” một ngôi chùa đẹp nức tiếng đồng bằng (điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long được Hiệp hội Du lịch khu vực công nhận) cũng đã biết cách lồng ghép phong trào xây dựng đời sống văn hóa với các lễ hội, hoạt động văn hóa Khmer nơi này. Từ đó mà nhiều nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer đã được bảo tồn, lan tỏa, góp phần hình thành nếp sống văn minh, hiện đại trên phum sóc.
Chùa Xiêm Cán còn là địa điểm hoạt động văn hóa – nghệ thuật của người Khmer trên địa bàn. Đội Văn hóa – văn nghệ Khmer trong đó có rất đông người tại ấp được Ban quản trị chùa thành lập và hoạt động nhiều năm qua nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa của người Khmer, phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa. Các điệu múa Apsara, Rôm vông, múa trống Sa dăm, múa gáo, múa khỉ ngựa mang đậm bản sắc dân tộc Khmer… được bảo tồn cũng từ đây. Chùa cũng là nơi các vị sư sãi với đủ lứa tuổi đến đây học chữ Khmer, các môn Toán, tiếng Việt và giáo lý Phật giáo Khmer.
Chỉ riêng với chùa Xiêm Cán, ấp Biển Đông B đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa khi gìn giữ được những nét đẹp văn hóa bản địa và góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu nói chung.
Quy ước phát huy tác dụng
Đồng chí Thạch Sà Riêng – Bí thư Chi bộ ấp giới thiệu với chúng tôi con đường nối dài từ Biển Đông B đến giáp địa phận ấp Biển Đông A. Tuyến đường này được một hộ dân trong ấp tự nguyện góp tiền để xây, sửa một số trụ đèn, mua bóng đèn chiếu sáng với tổng trị giá khoảng 80 triệu đồng.
Đó là hộ anh Lâm Văn Linh – chủ trang trại nuôi trồng thủy sản Linh Thôl. Là một trong những “tỷ phú tôm” của TP. Bạc Liêu, thế nhưng trong cuộc nói chuyện, anh không khoe thành tích của bản thân mà cho rằng trong sự thành công ấy, ít nhiều anh và những hộ dân đã được chính quyền tạo điều kiện về mọi mặt để yên tâm lao động sản xuất và phát triển kinh tế. Cho nên ở chiều ngược lại, anh đã góp sức với chính quyền để xây dựng phum sóc mình. Phát gạo mùa Tết, xây dựng nhà tình thương cho người dân và đóng góp Quỹ An sinh xã hội là những việc làm thường trực của anh Linh. Đó cũng là biểu hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái – một trong những nội dung mà Quy ước khu dân cư ấp Biển Đông B cùng chung tay thực hiện.
Bí thư Chi bộ ấp cho biết: Việc xây dựng quy ước khu dân cư là nhằm xây dựng tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hỗ trợ giúp lẫn đỡ nhau trong sản xuất và nâng cao đời sống của bà con trong ấp, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bảng Quy ước khu dân cư Biển Đông B đưa ra quy định về những chuẩn mực ứng xử của các hộ gia đình, cá nhân trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa với nhiều quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội, quy định về an ninh, trật tự, bảo vệ các công trình công cộng, vệ sinh môi trường… Các cuộc họp của ấp thì được tổ chức hằng tháng hoặc đột xuất khi cần thiết.
Biển Đông B còn lập sổ vàng truyền thống nêu gương người tốt, việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân… Đối với những người chưa chấp hành tốt, vi phạm các quy định của quy ước thì Trưởng Ban công tác Mặt trận hoặc người có uy tín ở cộng đồng dân cư sẽ gặp gỡ, trao đổi để khắc phục…
Cũng phải kể đến vai trò đảng viên gương mẫu làm kinh tế giỏi và “đỡ đầu” nhiều thanh niên trong xóm của anh Bí thư Chi bộ ấp. Hơn 13 năm đảm nhiệm vai trò này, anh Sà Riêng đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân: giúp dân có ý thức tự giác cùng với chính quyền địa phương trong việc gìn giữ an ninh, trật tự, xây dựng lối sống văn hóa, tích cực với địa phương trong các phong trào, cùng góp sức cho phum sóc ngày càng tiến bộ, văn minh.
Về Biển Đông B, nghe người dân kể chuyện phong trào xây dựng phum sóc đổi mới, văn minh, tiến bộ, nghe chuyện dân biết ơn Ban dân chính ấp đã tạo điều kiện để dân phát triển đời sống mọi mặt, chuyện làm giàu bằng sự ham học hỏi, vượt khó… mới thấy khi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đúng đắn, kịp thời, cùng với sự mẫn cán, nhiệt tình của những người đại diện cho chính quyền ở cơ sở sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp để tạo ra sự phát triển bền vững từ những hạt nhân cơ sở.
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/ve-bien-dong-b-nghe-chuyen-xay-dung-doi-song-van-hoa-99324.html