Trong vô vàn đề tài hấp dẫn đối với âm nhạc, chắc hẳn những ai khi hát, sáng tác ca khúc hay dàn dựng một chương trình văn nghệ về đề tài cách mạng đều có những cảm xúc rất đặc biệt. Bởi, điều đó không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong bản thân và mọi người mà còn là cách để ngợi ca, tri ân những chiến công anh dũng của quân đội, của người lính cho hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
VẺ VANG NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ
Trong những ngày kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (24/12/1944 – 24/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, khắp nơi trên cả nước lại vang dậy những ca khúc mang giai điệu tự hào. Tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu), chương trình nghệ thuật “Vinh quang quân đội anh hùng” đã chiêu đãi khán giả tỉnh nhà bữa tiệc âm nhạc về đề tài cách mạng. Chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND được khắc họa sống động qua những bài ca đã đi cùng dân tộc trong những năm tháng khói lửa như: Đất nước, Giai điệu Tổ quốc, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Lá xanh, Màu hoa đỏ, Lê Thị Riêng…
Bà Trần Thúy Phượng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Với ý nghĩa đặc biệt của ngày kỷ niệm, chúng tôi dàn dựng chương trình theo ý tưởng lấy bộ đội Cụ Hồ làm hình tượng xuyên suốt. Qua các tiết mục, chúng tôi muốn khán giả cảm nhận được về một đội quân anh dũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, kẻ thù nào cũng đánh thắng, với những chiến công vẻ vang, oanh liệt đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc. Đặc biệt là toát lên vẻ đẹp của những người lính từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong thời chiến đến người lính đang ra sức viết tiếp trang sử hào hùng trong thời bình”.
Khi những giai điệu, ca từ “Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi thà chết chớ lui” trong ca khúc Đoàn giải phóng quân hay “Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây tre” trong Màu hoa đỏ… được vang lên đã khiến những người thưởng thức chương trình trào dâng cảm xúc biết ơn, tin yêu và đầy tự hào về người lính Cụ Hồ.
Tiết mục “Đất nước”, “Giai điệu Tổ quốc” trong chương trình nghệ thuật “Vinh quang quân đội anh hùng”. Ảnh: H.T
TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG CHA ANH
Không chỉ là mạch nguồn cảm xúc vô tận cho sáng tác âm nhạc, chiến sĩ QĐND Việt Nam còn là đề tài có ý nghĩa đặc biệt với các ca sĩ, nhất là những giọng ca trẻ đang được hít thở bầu không khí hòa bình đã được đánh đổi bởi máu xương của cha ông.
Dù thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật chưa dài, song ca sĩ Hồ Minh Khánh (Nhà hát Cao Văn Lầu) thường được “chọn mặt” để thể hiện các ca khúc cách mạng. Điều này vừa mang đến niềm vui nhưng cũng khiến Minh Khánh gặp đôi chút áp lực khi phải chuyển tải cho được tinh thần, ý nghĩa của dòng nhạc cách mạng. “Dù là một người trẻ được tiếp cận với nhiều loại hình âm nhạc hiện đại, song tôi lại yêu mãnh liệt nhạc cách mạng. Mỗi lần được giao thể hiện các ca khúc về QĐND, Mẹ Việt Nam anh hùng…, trong tôi lại dâng lên tình yêu đất nước mãnh liệt, lòng tự hào và biết ơn sâu sắc những người đã nằm xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Chính vì vậy, tôi muốn bằng giọng hát và những giai điệu của âm nhạc để lan tỏa, nhắc nhớ bản thân và thế hệ trẻ hãy luôn phát huy truyền thống cách mạng của cha ông đi trước để chung sức xây dựng quê hương Bạc Liêu đẹp giàu”, ca sĩ Minh Khánh chia sẻ.
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi những giai điệu của các ca khúc cách mạng vang vọng, trong lòng mọi người lại trào dâng bao niềm xúc động. Để từ đó thêm trân trọng quá khứ và sống có ích, sống hết mình cho quê hương, đất nước hôm nay.
PHƯƠNG ANH
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/vang-mai%E2%80%8B-giai-dieu-tu-hao-98455.html