Nỗ lực cùng với cả tỉnh trong năm được xác định là “nước rút”, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tạo những dấu ấn nhất định, khá toàn diện trên từng lĩnh vực của mình. 3 sự kiện nổi bật được rút ra qua một năm thực hiện nhiệm vụ chính là thời cơ để ngành góp phần tạo nên những thành tựu chung cho tỉnh trong năm về đích.
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: H.T
Từ 3 sự kiện nổi bật
Ở một tỉnh xa xôi, chưa được thiên nhiên ưu đãi như Bạc Liêu, thì chiều sâu văn hóa và những giá trị tồn tại theo dòng lịch sử thời khai hoang mở đất hay những kỳ tích hào hùng qua những năm tháng chiến đấu, được xem như vật báu để làm du lịch.
Nhận thức được điều đó, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh luôn được chú trọng để tạo sức hút cho du khách đến tham quan, nghiên cứu. Tháng 3/2024, di tích lịch sử địa điểm nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 (huyện Hồng Dân) được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích quốc gia. Cũng trong năm, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, phù điêu Nữ thần Uma trong di tích này cũng được công nhận là bảo vật quốc gia!
Cũng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa Khu du lịch Nhà Mát – Bạc Liêu (dự kiến gồm 5 xã, phường là: Nhà Mát, Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông, Phường 2 – TP. Bạc Liêu và Vĩnh Hậu A – huyện Hòa Bình) vào danh mục khu vực tiềm năng trở thành Khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia đến năm 2045. Với tin vui này, tỉnh đã đạt được mục tiêu Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra trước một năm! Điều đáng mừng là, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tất cả 8 điểm du lịch được đưa vào quy hoạch, trong đó có 4 điểm được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ưu tiên đầu tư hạ tầng trước năm 2030 để trở thành Khu du lịch quốc gia, thì trong đó có Khu du lịch Nhà Mát – Bạc Liêu.
Năm 2024, Nhà hát Cao Văn Lầu được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBCSL, nâng tổng số Bạc Liêu có đến 12 điểm – nhiều nhất trong các tỉnh, thành trong khu vực. Đồng thời, tỉnh có 4 điểm du lịch (Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà hát Cao Văn Lầu, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1) được bình chọn là điểm du lịch ấn tượng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.
Ở lĩnh vực còn lại, thể thao thành tích cao (TTTTC) 2024 cũng gặt hái được nhiều thành tích. Trong năm, ở các giải quốc gia và quốc tế, Bạc Liêu mang về tổng số 215 huy chương (đạt 217% kế hoạch).
Kiện tướng quốc gia Hồ Thị Duy (Huy chương Vàng Giải Vô địch trẻ quốc gia môn Rowing). Ảnh: C.K
Tiếp tục nỗ lực “về đích”
Năm 2025, hàng loạt những phần việc đòi hỏi sự nỗ lực của sở đa ngành này. Ngoài kế hoạch tổ chức hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, 2025 cũng là năm về đích của 2 đề án lớn liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật ĐCTT và cải lương, đó là Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án phát triển sân khấu cải lương tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2025. Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ III cũng sẽ được đăng cai tại Bạc Liêu, tạo một sân chơi vừa đậm chất nghệ thuật, gìn giữ một loại hình di sản văn hóa của quốc gia, cũng là để mang đến “món ăn tinh thần” cho đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh nhà nói riêng, là tâm huyết của Bạc Liêu khi đảm trách. Ngoài ra, văn hóa – nghệ thuật còn rộn ràng với những liên hoan tuyên truyền lưu động, sẵn sàng “đội quân” tham gia ngày hội gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ; liên hoan nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cà Mau tại Cà Mau…
Để đón khoảng 5,5 triệu lượt khách như mục tiêu đặt ra, mảng du lịch còn nhiều việc phải làm. Giám đốc Sở VH-TT&DL – Trần Thị Lan Phương cho biết: “Trước mắt là chấn chỉnh và sắp xếp nâng cao chất lượng hoạt động theo định hướng quản lý tổng thể toàn khu vực Nhà Mát, Hiệp Thành; Sở sẽ phối hợp với chủ đầu tư để phát triển du lịch khu vực ven biển Bạc Liêu với các sản phẩm đặc thù như: du lịch điện gió, du lịch kết hợp tham quan Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư như: xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy – Đông Hải; điểm du lịch – dịch vụ Tắc Sậy; điểm du lịch Vườn chim Lập Điền… Đặc biệt, ngay sau tết Nguyên đán, Sở sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 và các sự kiện về lĩnh vực du lịch”.
Những thành tựu trong năm 2024 cũng là “quả ngọt” cho Đề án phát triển TTTTC tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục tập trung đầu tư các môn TTTTC, bổ sung thêm lực lượng huấn luyện viên, vận động viên theo nội dung Đề án; phát huy, khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng những môn thể thao là mũi nhọn, trọng tâm của tỉnh làm nền tảng tạo cho sự phát triển bền vững, xây dựng các lớp vệ tinh, chủ yếu tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng để tạo nguồn bổ sung cho các đội tuyển năng khiếu… đồng bộ các nhiệm vụ thì những mùa “quả ngọt” cho TTTTC sẽ còn nối dài.
CẨM THÚY
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/van-hoa-the-thao-va-du-lich-dau-an-va-thoi-co-buoc-den-nam-moi-98659.html