Mới đây tại buổi họp báo thông tin về Festival nghề muối Việt Nam năm 2024, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho hay giá muối ở tỉnh này chỉ có 900 đồng mỗi kg trong khi doanh nghiệp Singapore từng giới thiệu loại muối làm đẹp với 100gr giá 1,8 triệu đồng.
Mức giá chênh lệch quá lớn vì hạt muối Việt vẫn làm ra theo kiểu thủ công, là hạt muối “thô”, còn hạt muối Singapore đã qua công nghệ chế biến, có thương hiệu và được ứng dụng trong các ngành dịch vụ cao cấp như dịch vụ làm đẹp.
Câu chuyện trên khiến tôi nhớ lại lần cùng một người bạn Hàn Quốc đi siêu thị ở Seoul chuẩn bị món thịt nướng nhân tiệc sinh nhật của bạn. Món này dĩ nhiên không thể thiếu muối. Tôi bị sốc khi cầm hũ muối chỉ 85gr dùng nướng thịt có giá hơn 50.000 đồng tiền Việt. Anh bạn cho biết thêm, muối Hàn Quốc không chỉ làm gia vị mà ứng dụng rất đa dạng và có những loại muối giá không hề rẻ, ngang ngửa giá thịt bò.
Có lẽ vì giá muối ở Hàn Quốc đắt nên mỗi lần Cho, người phụ trách tuyển dụng lao động Việt Nam ở huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) sang Việt Nam thì anh thường mua một số lọ muối nhỏ mang về làm quà tặng. Trong chuyến đi đến Phú Quốc năm 2022, Cho nhờ tôi dẫn đến siêu thị đặc sản địa phương mua quà, không phải là ngọc trai, hay mỹ phẩm làm từ ngọc trai như món hàng ưa chuộng của nhiều du khách, mà là các lọ muối Việt. Cho bảo, muối Việt giá rẻ hơn Hàn Quốc rất nhiều và dùng nướng thịt cũng ngon lắm, không thua gì muối Hàn Quốc.
Trong sách địa lý dành cho học sinh THPT, người Hàn dành hẳn một chương nói về muối. Không chỉ giới thiệu tầm quan trọng của muối là gia vị quan trọng với các món ăn, mà đa dạng hóa ứng dụng của hạt muối và phát triển du lịch ở vùng làm muối để giúp diêm dân có được thu nhập xứng đáng với công sức “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Người dân thu hoạch muối ở Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).
Giáo dục tầm quan trọng của muối và cách ăn muối như thế nào là phù hợp, tốt cho sức khỏe, qua đó giúp diêm dân bán được hàng và người tiêu dùng chấp nhận giá thành cao của hạt muối.
Trong truyền thống văn hóa của người Hàn Quốc, muối hạt không chỉ được sử dụng làm gia vị ngay sau khi đem từ đồng muối lên bàn ăn, mà còn được chế biến trong thời gian dài để loại tạp chất. Sau 3 năm cất giữ và chế biến, hạt muối thô trở thành loại nguyên liệu cao cấp, quý hiếm.
Ngày nay Hàn Quốc sản xuất muối theo quy trình nghiêm ngặt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hóa chất và y tế. Sản lượng muối ở Hàn Quốc không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc… thu về ngoại tệ,
Muối ở Hàn Quốc chủ yếu được sản xuất tại các trang trại muối ở Shinan, Muan và Yeonggwang (Jeollanam-do). Trong đó Shinan có khoảng 1.000 trang trại muối và sản xuất hơn 200.000 tấn muối biển mỗi năm. Theo báo cáo của địa phương, với tổng sản lượng đó, họ dành 30% xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc, 25% xuất khẩu sang Mỹ.
Chiến lược xúc tiến xuất khẩu muối của họ dựa trên sự kiểm soát chất lượng với tiêu chí an toàn thực phẩm và chỉ dẫn địa lý rõ ràng, giảm thuế xuất khẩu.
Khác với các ruộng muối ở Khánh Hòa hay Bạc Liêu, ruộng muối ở Shinan còn là địa chỉ du lịch trải nghiệm thu hút đông đảo du khách. Tại đây có bảo tàng giúp du khách hiểu về truyền thống làm muối của người dân địa phương, có các cửa hàng bán sản phẩm muối đa dạng, từ muối chế biến thức ăn, muối làm kimchi…, đến muối để làm đẹp, muối để chăm sóc sức khỏe. Tất cả đều được đóng gói với bao bì đẹp, hướng dẫn sử dụng chi tiết.
Bởi vậy, trong cái mặn của vị muối, diêm dân vùng Shinan lại luôn thấy và hưởng thụ được cái vị ngọt ngào từ thành quả của họ.
Với 3.260km đường biển trải dài từ Bắc vào Nam, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất muối, nhưng câu chuyện muối Việt bao nhiêu năm nay vẫn là sự trăn trở, vẫn là vị mặn chát.
Mỗi năm nhu cầu tiêu thụ muối của nước ta vào khoảng 1,5-1,6 triệu tấn, trong đó sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1 triệu tấn muối, chủ yếu là muối ăn. Hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 400.000 – 600.000 tấn muối trắng có độ tinh khiết cao để phục vụ các ngành công nghiệp, phần lớn là ngành công nghiệp hóa chất, nhất là cho ngành sản xuất xút – clo. Ngoài ra, có vài chục nghìn tấn muối đặc biệt sạch được nhập về để phục vụ ngành y tế.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2017, diện tích sản xuất muối cả nước khoảng 13.000 ha (muối thủ công 9.000 ha, muối công nghiệp 4.000 ha). Phương pháp thủ công lấy nước biển phơi khô tạo thành muối của ta có hạn chế về năng suất và chất lượng muối, phụ thuộc thời tiết. Hạt muối truyền thống có độ mặn cao, song hàm lượng NaCl chỉ đạt khoảng 92%, lại chứa nhiều tạp chất, trong khi muối được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thì hàm lượng NaCl phải đạt trên 98% và chứa ít tạp chất.
Từ diện tích khoảng 13.000 ha năm 2017, đến năm 2021 diện tích sản xuất muối đã giảm xuống còn khoảng 11.000 ha; sản lượng muối cũng theo đó sụt giảm mạnh chỉ còn đạt 914.000 tấn, giảm gần 400.000 tấn so với trước.
Thực trạng trên phần nào cho thấy những khó khăn, thách thức của ngành muối, cả việc đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như nâng cao giá trị xuất khẩu.
Chúng ta cần nâng cao năng suất, chất lượng hạt muối, mở rộng diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp và ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, thu hoạch muối. Nếu ngành muối phát triển không bền vững, mang lại thu nhập không cao thì chuyện diêm dân ngậm ngùi bỏ nghề sẽ không dừng lại. Và chúng ta lại nói với nhau câu nói quen thuộc “Việt Nam có bờ biển dài song vẫn phải nhập khẩu muối”.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Dantri.com.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/uoc-mo-hat-muoi-xuat-khau-tien-trieu-20240708083219824.htm